Một sáng đầu tháng 8-2022, TAND TP HCM mở phiên xét xử Ngô Thanh Cần (32 tuổi, quê Kiên Giang) về tội "Giết người".
"Sao nỡ giết chồng tôi?"
Đến dự phiên xét xử với di ảnh của chồng, chị N. (trọ tại quận 7, TP HCM) mệt mỏi tựa vào hàng rào ngăn giữa khu vực xét xử và khu vực người tham dự, đôi mắt sưng húp. Mắt chị hướng về phía Ngô Thanh Cần đang ở vị trí bục khai báo, miệng không ngừng oán trách: "Sao ác quá, chồng tôi có làm gì hại ai đâu, sao nỡ giết chồng tôi?".
Người phụ nữ kể chồng chị là lao động chính trong nhà. Anh hiền lành, chăm chỉ, hàng xóm cùng khu trọ ai cũng quý. Bi kịch ập xuống khi chị đang mang thai con thứ 3 được 6 tháng.
Vào đêm mùng 1 Tết Nguyên đán 2021, Ngô Thanh Cần và chú của chồng chị ngồi chơi bài cùng nhau trong dãy trọ nghèo ở phường Tân Thuận Tây, quận 7. Sau đó, cả hai xảy ra mâu thuẫn rồi chồng chị được chú gọi tới. Anh cùng bạn đến nơi thì chứng kiến cảnh xô xát nên lao vào can ngăn. Cần bỏ về nhà, mọi người cũng chuẩn bị ai về nhà nấy vì nghĩ chuyện đã giải quyết xong.
Chị N., vợ bị hại, ôm di ảnh chồng tại phiên xét xử
Không ngờ, Cần trở lại với một cây mã tấu trên tay. Sau khi chém 3 nhát vào chồng chị, người này quay sang tấn công bạn của chồng nhưng bị khống chế. Chồng chị N. được đưa đi cấp cứu ngay sau đó nhưng mọi chuyện đã quá muộn.
Nghe tin chồng mất, chị gần như sụp đổ, 1 tháng sau đó, cuộc sống của chị vẫn chìm trong đau thương và nước mắt. Do bỏ bữa thường xuyên, cơ thể chị suy nhược, thai nhi cũng bị ảnh hưởng, bác sĩ động viên chị phải vì con mà nỗ lực. Chị N. nghe lời vì nghĩ không chỉ 1 đứa con trong bụng mà còn 2 con nhỏ khác nheo nhóc. Nhớ chồng nhưng vương tình mẫu tử, chị tự vực dậy mình.
Chị mang bụng bầu chạy từng bữa ăn cho các con bằng việc buôn bán ở chợ. Không lâu sau đó, dịch Covid-19 ập đến, việc buôn bán cũng buộc dừng lại. Hàng xóm thương cảm, thay phiên nhau nhờ chị đến phụ giúp việc nhà rồi trả tiền công để chị có đồng ra đồng vô lo cho các con.
Người góa phụ trẻ cũng cho biết khi có lịch xét xử, chị muốn ủy quyền cho người hàng xóm là một cán bộ hưu trí đến dự bởi biết mình chẳng thể bình tĩnh gặp mặt người đã xuống tay đoạt mạng chồng mình. "Nhưng thương mẹ chồng một mình lủi thủi đến tòa chờ công lý được thực thi cho anh linh đứa con duy nhất của bà được thanh thản, tôi đành nén đau đi theo mẹ chồng" - chị N. nghẹn ngào.
Cùng cảnh nghèo khó
Tại tòa, chủ tọa hỏi nguyên nhân từ đâu mà hai bên xảy ra mâu thuẫn, bị cáo khai vì chú bị hại cho rằng bị cáo chơi bài ăn gian. Vị chủ tọa nghiêm giọng: "Mâu thuẫn trong cuộc chơi thì có thể giảng hòa chứ có nghiêm trọng đến mức để bị cáo giết người như vậy không?", Cần im lặng. Bị cáo sau đó thanh minh rằng phía đối phương đông người, nếu không ra tay trước thì sẽ bất lợi.
Vị hội thẩm nhân dân hỏi bị cáo cây mã tấu từ đâu mà có, Cần khai tìm mua trên mạng xã hội với giá hơn 300.000 đồng và cất trong phòng trọ để đem về quê… làm rẫy.
Nói về những lời khai trên của bị cáo, chị N. cho rằng Cần khai không đúng sự thật vì vết chém đầu tiên cũng là chém trí mạng trúng vào sau gáy của chồng chị. Nghĩa là lúc ấy chồng chị đã quay đi chứ không đứng đối diện với bị cáo. Điều này cũng phù hợp với lời khai của những người có mặt lúc đó khi thấy Cần cầm mã tấu xông đến, mọi người đều bỏ chạy chứ không ai can đảm đứng lại để hơn thua. Chồng chị chạy phía sau cùng nên lãnh trọn 3 nhát chém của kẻ thủ ác. "Nếu chồng tôi đến để hơn thua mà bỏ mạng tôi cũng không đau đớn đến mức này. Đằng này, chồng tôi đến là để can ngăn…" - chị N. chỉ nói được đến thế vì cơn xúc động đã làm nghẹn lời.
Phía bị hại cho biết ngoài yêu cầu xử lý hình sự thì về dân sự, bị cáo phải bồi thường số tiền gần 500 triệu đồng. Nêu lý do về số tiền này, chị N. nói con lớn của mình đã 17 tuổi, có thể tự lao động nên chỉ cần bị cáo cấp dưỡng cho 2 cháu bé còn lại, mỗi cháu 500.000 đồng/tháng, cho đến khi các cháu 18 tuổi. Bị cáo đồng ý.
HĐXX hỏi bị cáo lấy tiền đâu để bồi thường. Bị cáo nói nhà mình cũng nghèo như gia đình bị hại. Bị cáo không có tiền bồi thường một lần nhưng sẽ dùng tiền gia đình thăm nuôi mỗi tháng 1 triệu đồng để cấp dưỡng cho các con bị hại.
Nghe đến đây, chị N. nấc lên: "Sao tôi có thể cầm được những đồng tiền thăm nuôi đấy chứ".
Sau khi xét hỏi tại tòa, HĐXX nhận thấy đối với một số hành vi của bị cáo gây ra đối với bị hại, cơ quan điều tra còn thiếu sót. Do đó, để bảo đảm quyền lợi cho phía bị hại, HĐXX tuyên trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.
Người mất, nhiều nỗi đau ở lại
Dự phiên tòa còn có người cha của Cần. Ông đã già, dáng lọm khọm, ngồi gục đầu ở một góc trong phòng xét xử nhưng nhiều lần ngước lên trong thảng thốt vì tới giờ phút ấy ông mới hay con trai có hung khí giấu trong nhà.
Với hung khí sắc lẹm ấy, con trai ông đã gây nên cảnh đau thương cho rất nhiều người, khi chị N. mất chồng, con chị mất cha, còn gia đình ông ít nhất sẽ vắng một thành viên trong một thời gian dài.
Bình luận (0)