Nhiều người mặc dù không mượn nợ, không bảo lãnh cho người khác vay tiền nhưng vẫn bị "khủng bố" tinh thần bằng các cuộc gọi, tin nhắn thậm chí bị tạt chất bẩn khiến họ điêu đứng, lo lắng.
Bỗng dưng bị dọa
Có công ăn việc làm ổn định, vợ buôn bán nhỏ nên gia đình anh N.H. (SN 1980) cũng đủ đầy. Bỗng một ngày, điện thoại anh H. xuất hiện hàng loạt tin nhắn đòi nợ kèm theo chính xác địa chỉ nhà, địa chỉ làm việc công ty. Sau nhiều lần gặng hỏi, anh H. bất ngờ vì vợ đã âm thầm mượn nợ bằng hình thức vay nóng bên ngoài. Anh H. cắn răng dùng giấy tờ nhà vay tiền ngân hàng trả khoản nợ 500 triệu đồng cho vợ.
Yên ổn được một tháng, khi gia đình đang ngủ thì nghe tiếng động mạnh kèm theo khung cảnh đáng sợ. Những vệt sơn pha mắm tôm loan lỗ khắp cổng, cửa và nền nhà. Anh H. khổ sở khi biết khoản nợ 500 triệu đồng chỉ là 1/3 số tiền gốc và lãi mà vợ đã vay nhiều năm trước. Không còn cách nào khác, anh H. đành dẫn các con đi lánh nạn, sau đó bán hẳn căn nhà để trả dứt nợ rồi làm lại từ đầu.
Quán cà phê ở quận 7 bị tạt sơn
Không như anh H., bà T.N. (SN 1960, ngụ quận 10) liên tục bị "tấn công" điện thoại vì cho rằng bà là bạn của một người đàn ông vay nợ hơn 1 tỉ.
"Ngày nào cũng vậy, cứ sáng sớm là bọn chúng gọi điện xong rồi nhắn tin. Ban đầu, tôi tưởng bị nhầm, tôi còn giải thích nhưng không hiểu sao họ lại biết địa chỉ nhà, biết chồng con tôi làm ở đâu, công việc như thế nào.
Tôi nói sẽ báo công an, chúng còn thách thức cứ báo đi. Tôi đành thu thập đầy đủ chứng cứ như tin nhắn, ghi âm cuộc gọi kèm theo những lời đe dọa. Sau đó, tôi mới không bị khủng bố qua điện thoại".
Nhà một người dân ở quận Bình Tân bị tấn công bằng sơn
Mặc dù chỉ làm việc rồi về nhà, không giao du, không tham gia mạng xã hội nhiều nhưng thạc sĩ P.H.P. (quê Tiền Giang) vẫn khổ sở khi bị cắt ghép hình ảnh, chứng minh nhân dân kèm theo khoản nợ 500 triệu đồng.
"Bọn chúng ghép hình tôi với một cái tên xa lạ kèm theo thông tin tôi mượn tiền rồi quỵt nợ. Việc này khiến tôi phải khổ sở khi bạn bè, đồng nghiệp cơ quan liên tục nhận được tin nhắn không tốt về tôi.
Sợ ảnh hưởng đến cơ quan, không còn cách nào khác tôi phải gửi đơn đến cơ quan công an đề nghị can thiệp, xử lý nhóm đăng tin sai sự thật"- anh P.H.P kể.
Mới đây, nhiều khách đến quán cà phê trên địa bàn phường Tân Phong (quận 7) hoảng hốt khi xe máy dựng trước quán bị kẻ lạ tạt sơn đỏ.
Anh S. (31 tuổi, ngụ quận 1) thảng thốt: "Tôi không hiểu sao khi tính tiền ra về, xe tôi cùng nhóm bạn bị tạt sơn bẩn, nhìn xe mà đau lòng. Mặc dù có bảo vệ nhưng nhóm này ra tay rất nhanh, gọn và tẩu thoát rất lẹ”. Sự việc được báo lên công an và các cơ quan chức năng đang vào cuộc, làm rõ.
Mạnh tay với kiểu "khủng bố" đòi nợ thuê
Thời gian qua, Công an TP HCM, Công an TP Thủ Đức và công an các quận, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về các hình thức vay nóng cũng như mạnh tay xử lý kiểu đòi nợ thuê như tạt sơn, gọi điện "khủng bố".
Cụ thể, sau thời gian mật phục, lực lượng cảnh sát hình sự Công an quận Bình Tân đã bắt Phạm Lê Minh Thiện (ngụ quận 1, TP HCM) và Kiên Nguyễn Việt Ân (quê Tiền Giang) để điều tra hành vi "Cố ý làm hư hỏng tài sản".
Thiện lên mạng và nhận được lời mời "đòi nợ thuê" tạt sơn với giá 1 triệu đồng của người đàn ông lạ mặt. Nhận lời, Thiện rủ Ân cùng tham gia và mua chất bẩn để ra tay.
Hai kẻ tạt sơn ở quận Bình Tân bị bắt cùng tang vật
Sau đó, cả hai chạy xe máy đến trước ngôi nhà trên Tỉnh lộ 10, sau đó Thiện đến gần cửa nhà rồi cầm chai đựng sơn tạt vào cánh cửa. Ân dùng điện thoại của Thiện chụp hình cánh cửa nhà đã bị tạt sơn để gửi cho tài khoản "Nguyễn Văn Nam" rồi bỏ chạy. Sau vụ việc, Thiện nhận được 1 triệu đồng qua tài khoản do tài khoản Zalo "Nguyễn Văn Nam" chuyển trả.
Sau đó, cả hai cũng thực hiện thêm một lần tạt sơn tại địa chỉ trên rồi nhận 1 triệu đồng. Nhận được tin báo tố giác của người dân, Công an quận Bình Tân đã mật phục.
Rạng sáng 19-7-2022, cả hai đến tạt sơn rồi bỏ chạy thì bị trinh sát hình sự truy đuổi, bắt giữ. Kiểm tra nhanh, công an phát hiện Thiện và Ân dương tính với ma túy. Về phía nạn nhân, ông L.V.H. (SN 1965) cho biết vợ ông có nợ nần ngoài xã hội và mất khả năng thanh toán.
Nhận được nhiều đơn tố cáo của các nạn nhân bị gọi điện khủng bố, Ban Giám đốc Công an TP HCM đã chỉ đạo lập chuyên án đánh sập đường dây chuyên gọi điện chửi khách hàng để đòi nợ.
Công an TP HCM khám xét công ty chuyên gọi điện chửi khách
Sau một thời gian thu thập hồ sơ, chứng cứ, Công an TP HCM bắt tạm giam Nguyễn Ngọc Thắng cùng 12 bị can khác về tội "Vu khống" theo điều 156 Bộ luật hình sự.
Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset (tại cao ốc H3, đường Hoàng Diệu, phường 6, quận 4) là công ty nước ngoài có trụ sở chính tại quận 1 và do một người Hàn Quốc tên L.J. làm tổng giám đốc. Công ty Mirae Asset được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép thành lập, có chức năng "cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng".
Từ ngày 1-8-2016 đến nay, công ty thuê văn phòng tại lầu 4, cao ốc H3 (số 384 Hoàng Diệu, phường 6, quận 4) để hoạt động thu hồi nợ.
Khi có nhu cầu vay, khách hàng phải cung cấp thông tin cá nhân, thông tin người thân khi ký hợp đồng vay với công ty, lãi suất từ 4,58%/tháng, tương đương 55%/năm dưới hình thức trả góp hằng tháng.
Nhóm nợ trên 180 ngày (chia thành 2 nhóm A, B) các nhân viên gọi điện, nhắn tin, chửi bới, đe dọa hoặc cắt hình ảnh người vay tiền, người thân ghép vào ảnh cáo phó đám tang, ảnh đồi trụy, thông báo truy tìm người trốn nợ, cảnh báo lừa đảo... để gửi cho khách hàng, người thân, đồng nghiệp của người vay tiền qua mạng xã hội Zalo, Facebook nhằm gây sức ép buộc người vay trả nợ.
Bình luận (0)