Ngày 18-5, TAND TP HCM xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Phan Tấn Phong (SN 1987, ngụ quận 10, TP HCM) 12 năm 6 tháng tù, Lê Thị Xuân Quý (SN 1984, ngụ huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) 12 năm tù, cùng về tội “Cướp tài sản”.
Đây là lần thứ ba TAND TP mang vụ án ra xét xử sau 2 lần trả hồ sơ. Phong và Quý thông đồng chuốc thuốc mê ông, bà của Phong, lấy nhiều đồ cổ trong nhà đem bán.
Theo cáo trạng, Phong sống với ông ngoại là Nguyễn Văn Siêu (SN 1942) cùng bà Nguyễn Thị Khang (SN 1935) và bà Nguyễn Thị Quỳnh (SN 1938) tại quận 10. Hai bà là chị ruột ông Siêu.
Trong nhà có nhiều bàn ghế, tủ thờ làm bằng gỗ quý; đồ sành, sứ, đồ đồng có tuổi thọ trên 100 năm do ông bà để lại.
Do cần tiền kinh doanh nên Phong có ý định bán tất cả đồ cổ nhưng các ông bà không đồng ý. Từ đó, Phong nảy sinh ý định chiếm đoạt.
Phong nghĩ cách đánh thuốc mê ông, bà mình. Phong liên hệ với người mua bán đồ cổ đến tận nhà xem và thỏa thuận giá 1 tỉ đồng. Ông Siêu, bà Khang, bà Quỳnh thấy nhưng không có ý kiến.
Phong nói kế hoạch bán đồ cổ lấy tiền kinh doanh cho Quý nghe. Lúc đầu Quý không đồng thuận nhưng Long gây áp lực, đòi chia tay nên cuối cùng Quý đồng ý.
Tối 11-3-2015, Phong hòa thuốc ngủ vào sữa và nước nha đam rồi đưa cho ông Siêu, bà Khang và bà Quỳnh uống.
3 người này mê man, Phong mở cửa cho người mua đồ cổ đến dọn sạch đồ cổ, gồm: tủ thờ, lục bình, ván cổ, bàn ghế bằng gỗ đắt tiền cùng nhiều ly chén, máy may, máy chiếu phim…
Sau khi nhận tiền, Phong đưa 900 triệu đồng cho Quý cất giữ, cho mẹ 35 triệu đồng, cho bạn 15 triệu đồng, số còn lại trả nợ.
Sáng 12-3-2015, một người thân đến thăm thì phát hiện 3 nạn nhân mê man nên báo công an.
Theo định giá, số đồ cổ trên có giá trị gần 1,6 tỉ đồng.
Tại tòa, hai bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội.
Cho rằng trong số tài sản trên có phần thừa kế của Phong (3 ông, bà đã lập vi bằng xác lập quyền thừa kế một phần tài sản cho Phong sau khi vụ án xảy ra), các luật sư đề nghị tòa xem xét lại định giá tàn sản. Đây là căn cứ quan trọng để định khung hình phạt.
HĐXX nhận định bị cáo Phong không có chứng cứ chứng minh quyền sở hữu một phần tài sản là tang vật trong vụ án. Vi bằng lập sau khi vụ án xảy ra nên không được xem là chứng cứ thuyết phục. Các bị hại không phản ứng khi khách mua đồ cổ đến xem hàng. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là các bị hại đồng ý cho Phong bán toàn bộ số đồ cổ trong nhà. Do đó, HĐXX căn cứ chứng cứ, tình tiết giảm nhẹ để đưa ra mức án nêu trên.
Bình luận (0)