Ngay trong chiều 20-4, sau khi ông Nguyễn Văn Tùng (cựu Tổng Giám đốc Công ty Hùng Thanh, đơn vị được cho là chủ đầu tư chung cư Carina) bị bắt, đại diện pháp luật Công ty Hùng Thanh đã có trao đổi ngắn với phóng viên về vấn đề này.
"Theo quan điểm của chúng tôi, sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó, nghiêm túc chấp hành quyết định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chủ đầu tư xác định có lỗi của mình trong vụ cháy xảy ra tại chung cư Carina. Việc xác định lỗi đến đâu và chịu trách nhiệm ra sao, chủ đầu tư rất mong muốn cơ quan có thẩm quyền làm rõ.
Trong thời gian ngay từ lúc xảy ra vụ cháy cho đến nay, Chủ đầu tư cùng sự hỗ trợ của Công ty mẹ - Công ty 577 đã tích cực hết sức mình để khắc phục hậu quả. Số tiền tạm tính cho đến hôm nay, chúng tôi chi ra là hơn 20 tỉ đồng để tạm ứng khắc phục hậu quả", đại diện Công ty Hùng Thanh nói.
Công ty Hùng Thanh cho rằng SEJCO phải có trách nhiệm trong vụ cháy
Đồng thời, người phát ngôn Công ty Hùng Thanh còn cho biết đã yêu cầu Công ty CP Dịch vụ Địa ốc Sài Gòn (SEJCO) là đơn vị quản lý cùng phối hợp thực hiện việc khắc phục nhưng đến nay SEJCO chưa có động tác cụ thể nào.
Căn cứ theo hợp đồng Dịch vụ quản lý vận hành chung cư Carina giữa Công ty Hùng Thanh và SEJCO về việc quản lý, vận hành tòa nhà chung cư Carina, nhận định của Công ty Hùng Thanh cho rằng chủ đầu tư, Công ty SEJCO cũng như đơn vị cung cấp dịch vụ bảo vệ tòa nhà đều có trách nhiệm trong công tác quản lý, phát hiện, phòng chống cháy nổ, an toàn PCCC.
Sau khi thực hiện công tác hỗ trợ an cư cho người dân, đền bù về tài sản, Công ty Hùng Thanh đề nghị Công ty SEJCO phúc đáp bằng văn bản cho ý kiến và phương án để cùng phối hợp khắc phục hậu quả thiệt hại nghiêm trọng vụ cháy.
Về phần trách nhiệm pháp lý tương ứng, Công ty Hùng Thanh chờ kết luận điều tra từ phía Công an TP HCM để làm rõ sau.
Số tiền khắc phục mà chủ đầu tư tạm ứng đã lên đến 20 tỉ đồng
Sau thông báo này của Công ty Hùng Thanh, Phó Tổng Giám đốc SEJCO Trần Kim Lương phúc đáp rằng: "Là một công ty năng lực có hạn trong xử lý khủng hoảng lại thêm một loạt chung cư đã yêu cầu thanh lý hợp đồng nên hiện tại chúng tôi đang rất khó khăn về tài chính và nhân sự có nguy cơ bị phá sản".
Đồng thời SEJCO đề nghị đổi đơn vị bảo vệ để nhanh chóng cùng chủ đầu tư giải quyết cho người dân trở lại chung cư để thống kê thiệt hại, đảm bảo an toàn cho tòa nhà. Đồng thời, tăng số lượng nhân viên kỹ thuật từ 5 người lên 8 người nhằm đảm bảo ca trực 4 người/ca để đảm bảo công tác hỗ trợ trong giai đoạn sửa chữa.
"Theo Hợp đồng quản lý vận hành thì SEJCO có trách nhiệm Quản lý vận hành các hệ thống kỹ thuật của tòa nhà; bố trí lịch làm việc của nhân viên kỹ thuật tại nhà chung cư; giám sát công việc hàng ngày của nhân viên kỹ thuật bao gồm các hạng mục phải kiểm tra cũng như các công việc sửa chữa khác.
SEJCO có trách nhiệm bảo đảm phòng chống cháy, nổ phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Nói cách khác, cửa thoát hiểm tại thời điểm xảy ra cháy bị mở thì dù do người dân thực hiện nhưng không thể quy trách nhiệm cho người dân. Bởi vì trách nhiệm quản lý vận hành hệ thống kỹ thuật của tòa nhà không thuộc về người dân mà thuộc về SEJCO. SEJCO đã không thực hiện trách nhiệm của mình theo Hợp đồng dẫn đến hậu quả xảy ra nên sẽ phải chịu trách nhiệm trong vấn đề này", Công ty Hùng Thanh đặt vấn đề trách nhiệm của SEJCO.
Liên quan đến vụ cháy, một nguồn tin xác nhận theo điều tra ban đầu thì thời điểm phát cháy lúc 1 giờ 15 phút ngày 23-3 phút nhưng đến 1 giờ 23 phút bảo vệ mới phát hiện (chậm mất 8 phút).
Theo đó, lực lượng bảo vệ dùng bình chữa cháy xách tay cứu chữa tuy nhiên không tiếp cận được đám cháy. Tại thời điểm đó, người trực camera không có mặt ở điểm trực.
Đến thời điểm 1 giờ 27 phút các bảo vệ mới điện báo 114, đồng thời chạy bộ lên các tầng trên thông báo cháy cho người dân. Trong tình huống này, khi các phương tiện báo cháy tự động không hoạt động, các phương tiện báo cháy thủ công hoặc bán tự động không được sử dụng.
Bình luận (0)