Liên quan đến vụ ông N.V.Đ. (SN 1965, tạm trú huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) chết trong tư thế treo cổ nghi do bị đăng hình ảnh, clip bị hàng trăm người bình luận cho rằng "biến thái", các cơ quan chức năng huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) đang xác minh, làm việc với admin trang facebook phát thông tin này.
Quy định của pháp luật
Biện pháp xử lý đối với trang fanpage hoặc những người có hành vi trái pháp luật dẫn đến cái chết thương tâm của người này cần căn cứ vào kết quả xác minh cụ thể của cơ quan có thẩm quyền.
Tuy nhiên, trường hợp những cái chết đau lòng chỉ vì không chịu nổi áp lực từ mạng xã hội ngày càng nhiều. Vấn đề này gióng hồi chuông báo động về cách hành xử trên thế giới ảo. Trong bối cảnh các trang mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay với nhiều ứng dụng có đến triệu người dùng thì hình ảnh của cá nhân bị xâm phạm, bị sử dụng bất hợp pháp một cách tràn lan. Ngay cả cá nhân có hình ảnh cũng như cá nhân vi phạm đều thường không có ý thức về hành vi của mình.
Thông tin và hình ảnh ông Đ. bị đăng tải trên mạng
Liên quan đến việc đăng tải hình ảnh, thông tin của người khác lên mạng xã hội khi chưa có sự cho phép, pháp luật quy định như sau:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật dân sự năm 2015 về quyền của cá nhân đối với hình ảnh thì cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Ngoài ra, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định uy tín, danh dự, nhân phẩm của công dân được pháp luật bảo vệ.
Do đó, người có hành vi tự ý chụp ảnh, quay và/hoặc sử dụng hình ảnh mà không có sự đồng ý của người khác nếu xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự của người đó thì được coi là hành vi vi phạm pháp luật.
Về trách nhiệm dân sự: Nếu cá nhân bị lộ hình ảnh, thông tin ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm hoặc thiệt hại khác thì có thể yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, yêu cầu bồi thường hoặc khởi kiện lên Tòa án theo quy định pháp luật để yêu cầu bồi thường.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm thì bồi thường theo quy định tại khoản 1 Điều 592 Bộ luật dân sự 2015 và một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần mà bị hại gánh chịu.
Về xử phạt vi phạm hành chính: Căn cứ điểm e, khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, người có hành vi "thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật" có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, hình thức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Về chế tài hình sự: Nếu hành vi đăng hình ảnh, thông tin người khác lên mạng xã hội đã xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác thì người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm nhục người khác" được quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Khung hình phạt của điều luật này là phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm.
Đặc biệt, đối với trường hợp sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội được xem là tình tiết định khung tăng nặng, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; trường hợp làm nạn nhân tự sát được xem là tình tiết định khung tăng nặng, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.
Fanpage có sức ảnh hưởng cần cẩn trọng
Tuy đã có những chế tài hết sức rõ ràng nhưng để giảm đi những tình huống thương tâm không đáng có, điều quan trọng nhất phải đến từ ý thức của những người tham gia mạng xã hội.
Những cá nhân, tổ chức có sức ảnh hưởng, lan tỏa thông tin rộng rãi trên mạng xã hội cần có sự xác minh tính trung thực của thông tin mình đăng lên, ý thức về tác động của tin tức đến cộng đồng người xem và quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức có liên quan.
Đối với người tham gia mạng xã hội, cần có thái độ bình tĩnh, tỉnh táo và chọn lọc thông tin khi tiếp cận các tin tức trên mạng, đồng thời tránh có những từ ngữ xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác, tuân thủ các quy tắc cộng đồng trên không gian mạng.
Đặc biệt, đối với cá nhân có hình ảnh bị phát tán trên mạng xã hội, cần bình tĩnh và nắm rõ các quyền của mình để thực hiện các biện pháp đề nghị xử lý cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm, để không dẫn đến trường hợp nghĩ quẩn, tự sát vì bất lực khi thông tin cá nhân của mình bị phát tán rộng rãi một cách tiêu cực và trái pháp luật.
Bình luận (0)