Khép lại tranh chấp kéo dài lâu nay, chị V.G.A.M (SN 1997; ngụ Đồng Nai) ngồi phịch xuống hàng ghế đá nơi sân tòa. Giọng chị đứt quãng: "Ở suối vàng, ba tôi chắc buồn lắm... Nhưng không làm ra lẽ, cô tôi lại nghĩ bà ấy hành xử đúng...".
Kiện chia nhà thờ
Cha mẹ chị V.G.A.M chung sống với nhau nhưng không đăng ký kết hôn. Gần 3 năm sau khi cha mất, chị V.G.A.M làm đơn kiện cô ruột đến TAND TP HCM, đòi chia nửa nhà thờ của ông bà nội để lại.
Tại tòa, cô cháu gái đề nghị HĐXX định giá căn nhà để cô nhận phần thừa kế bằng tiền mặt. Nếu người cô muốn quản lý nhà thờ mà không thanh toán tiền thì chị V.G.A.M yêu cầu bán phát mãi tài sản tranh chấp và chia đôi số tiền.
Con của bị đơn, chị V.V.T.D (SN 1989) đỏ bừng mặt cho rằng chị họ mình đang làm trái với tâm nguyện của ông bà quá cố. Chị V.V.T.D nêu với tòa tâm nguyện của ông bà lúc còn sống là để lại căn nhà cho con cháu ở và thờ cúng tổ tiên. Nội dung này được thể hiện trong 2 bản di chúc mà ông bà đã lập năm 2009.
Minh họa: KHỀU
Bầu không khí nơi phòng xét xử mỗi lúc một căng thẳng. Các bên vừa trình bày vừa như cãi nhau, ai nấy đều cau có, hậm hực.
Nội dung vụ kiện được sáng tỏ qua những thông tin mà HĐXX cung cấp tại phiên xét xử. Tòa án công nhận tâm nguyện của ông bà quá cố để lại nhà thờ cho con cháu ở và thờ cúng tổ tiên là thật. Nội dung này được thể hiện trong 2 bản di chúc mà HĐXX công nhận hợp pháp.
Tuy nhiên, tòa án cho rằng cô của chị V.G.A.M biết rõ tâm nguyện này của cha mẹ nhưng đã không thực hiện theo. HĐXX đã công bố bản hợp đồng mà người cô đứng tên cho một công ty thuê lại nhà thờ để làm chi nhánh phân phối mỹ phẩm, thực phẩm.
Cụ thể, năm 2016, một năm sau khi cha mẹ mất, cô của chị V.G.A.M được văn phòng đăng ký đất đai cập nhật tên sở hữu nhà đất hương hỏa từ tên cha mẹ sang tên bà. Tòa án nhận định việc này là không hợp pháp vì để được đứng tên chủ sở hữu di sản thừa kế của cha mẹ, người cô đã viết giấy cam kết mình là con duy nhất, cam đoan không còn người thừa kế nào khác. HĐXX nhận định việc cam kết, cam đoan của người cô là hành vi gian dối, cố ý bỏ sót người thừa kế là anh ruột mình, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cháu ruột - chị V.G.A.M.
Từ những phân tích trên, tòa án chấp nhận việc chị V.G.A.M yêu cầu chia đôi di sản thừa kế theo di chúc bằng tiền (nguyên đơn là người sở hữu hợp pháp 1/2 căn nhà ông bà nội để lại vì người cha mất không để lại di chúc). Theo biên bản định giá năm 2018, nhà đất tranh chấp có giá hơn 5,1 tỉ đồng.
Không tin vào di chúc
Một trường hợp khác mà người quá cố cũng để lại di chúc phân chia di sản thừa kế nhưng những người con của họ vẫn đưa nhau đến chốn công đường nhờ phân xử. Đứng trước tòa, nguyên đơn lẫn bị đơn là những người đã hai màu tóc, trẻ nhất cũng gần 60 tuổi. Họ là anh chị em ruột.
Sau khi cha mất, ông V.V.A (SN 1962, ngụ TP HCM) kiện đòi tài sản theo di chúc, trong khi những người còn lại cho rằng di chúc "có vấn đề". Ngày họ đưa nhau đến chốn pháp đình, căn nhà cha mẹ để lại vẫn là nơi ở của ông A. và chị em mình.
Bị đơn cho rằng năm lập di chúc, tuổi thật của cha là 85 nên không còn đủ minh mẫn. Ngoài ra, di chúc chỉ có dấu lăn tay và phần chữ viết "Tinh thần còn minh mẫn" là do vợ ông A. chấp bút.
Bị đơn còn cho rằng việc cha họ lập di chúc nhưng chỉ có một người làm chứng không phải người địa phương là không đúng luật. Thêm vào đó, việc người cha sinh sống ở quận 4 nhưng lại đến quận Gò Vấp công chứng di chúc là... có vấn đề.
Do đó, những người này đề nghị tòa tuyên di chúc không hợp pháp; đề nghị định giá căn nhà để chia đều tài sản cha mẹ để lại cho 6 anh chị em chứ không đồng ý việc để lại 1/2 mảnh đất và nhà thờ trên đất cho gia đình ông A. như di chúc (trừ người em út đã mất, không có vợ con).
Căn cứ yêu cầu khởi kiện của ông A., HĐXX xác định về hình thức, bản di chúc có đủ chữ ký và lăn tay của người cha. Ông A. khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế chứ không yêu cầu xét lại tính hợp pháp của di chúc. Do đó, nếu đương sự nào đề nghị tuyên bố di chúc vô hiệu phải có đơn gửi đến tòa án và tạm ứng án phí theo quy định.
Mặt khác, tòa án cho biết pháp luật không cấm người lập di chúc phải công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng gần nhà. Thời điểm lập di chúc, cha họ không phải là người không đọc được, không nghe được hoặc không điểm chỉ được nên khi công chứng di chúc không cần phải có người làm chứng.
Từ đó, HĐXX chấp nhận bản di chúc và chia di sản thừa kế như sau: 1/2 nhà thờ là di sản của cha sẽ được chia thừa kế theo di chúc; phần còn lại là di sản của mẹ nhưng không có di chúc sẽ được chia đều cho 6 anh chị em.
Bình luận (0)