“Tôi hết sức bất ngờ khi nhận được tin nhắn từ một số điện thoại: “Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an quận 7, TP HCM vừa tiếp nhận đơn tố cáo của đối tượng tên B.Đ.T, CMND số 0247965..., có hành động trốn nợ. Ngày 1-11, chúng tôi quyết định khởi tố vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại tổ chức dịch vụ tín dụng tiêu dùng FE Credit của Ngân hàng (NH) V., khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với đối tượng B.Đ.T về tội “Chiếm dụng vốn ngân hàng”. Yêu cầu đối tượng B.Đ.T có mặt tại địa phương, cảnh cáo hành động bỏ trốn” - anh B.Đ.T (ngụ quận 7, TP HCM) kể với phóng viên Báo Người Lao Động.
Giăng bẫy
Anh T. cho biết anh nhận được tin nhắn trên vào cuối tháng 10-2015, số CMND nêu trong tin đúng là của anh. “Ngay khi nhận được tin nhắn, tôi gọi vào số điện thoại nói trên nhưng không có tín hiệu” - anh T. kể tiếp. Ngày 29-11, chúng tôi cùng anh gọi thử vào số máy đã gửi tin song không liên lạc được.
Trường hợp của anh T. cho đến thời điểm này có thể xem là chỉ bị hù dọa. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều ngân hàng và lực lượng công an TP HCM cho biết không thể chủ quan bởi rất nhiều người đã đối mặt với tình huống tương tự và hậu quả là họ dính bẫy của các băng nhóm lừa đảo.
Đó là trường hợp anh Trương Vạn An (ngụ phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM). Anh nhận cuộc gọi từ số máy lạ vào điện thoại bàn của gia đình, nói rằng anh đã sử dụng thẻ tín dụng và hiện đang nợ NH 40 triệu đồng. Khi anh trả lời rằng không sử dụng thẻ tín dụng thì người gọi điện nói thông tin cá nhân của anh đã bị giả mạo rồi chuyển điện thoại cho anh nói chuyện với công an.
Khoảng 1 phút sau, vẫn qua điện thoại, một phụ nữ xưng tên là Anh Thư giới thiệu đang làm việc tại Bộ Công an, thông báo anh liên quan đến một vụ rửa tiền, hiện VKSND đã có lệnh bắt và tịch thu tài sản của anh. Trong khi anh đang hoang mang vì không biết mình đã làm gì liên quan đến việc rửa tiền thì người này chuyển điện thoại cho một người đàn ông xưng tên là Hải, làm ở VKSND, cung cấp 4 số tài khoản NH rồi yêu cầu anh ghi để chuyển vào 430 triệu đồng phục vụ điều tra. Sau này, nếu anh không vi phạm thì nhà nước sẽ trả lại tiền. Trước khi ngưng nói chuyện, người này xin số điện thoại di động của anh.
Khoảng 1 tháng sau, anh An nhận tiếp 2 cuộc gọi từ 2 số máy thúc giục chuyển tiền. Khi anh chuyển xong 430 triệu đồng vào 4 tài khoản nói trên thì lại nhận cuộc gọi báo trước là hôm sau đoàn sẽ đến nhà anh làm việc. Sau đó, không thấy ai liên lạc, anh biết mình bị lừa.
Chuyển tiền rồi mới sực tỉnh
Tinh vi và xảo quyệt là chiêu lừa của người phụ nữ xưng là nhân viên tổng đài điện thoại. Người này thông báo qua điện thoại cho chị Nguyễn Thị Thảo (ngụ phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) còn nợ tiền cước điện thoại 8.830.000 đồng. Chị phủ nhận, lập tức người này chuyển máy cho một người đàn ông xưng tên Trực, hiện là cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Công an TP Hà Nội. Trực yêu cầu chị báo cáo vụ việc mà chị vừa trao đổi với nhân viên tổng đài.
Sau khi nghe chị trình bày, Trực đề nghị chị giữ máy để anh ta liên lạc một người khác báo cáo trường hợp của chị. Người này nói với Trực rằng chị Thảo có tên trong danh sách tội phạm buôn người và yêu cầu chị hợp tác theo chỉ dẫn.
Choáng váng trước những thông tin này nên khi bị Trực và đồng bọn yêu cầu, chị Thảo đã đến NH P. rút 100 triệu đồng rồi chuyển vào số tài khoản mở tại NH S., chủ tài khoản là Vũ Văn Hoàn.
Vài ngày sau, đồng bọn tên Trực gọi vào điện thoại di động của chị Thảo, yêu cầu chuyển tiếp 200 triệu đồng vào tài khoản mở tại NH S. do Phạm Minh Kha đứng tên chủ tài khoản. Sau 2 lần chuyển tiền, Chị Thảo biết bị lừa nên đến cơ quan công an trình báo.
Chị Nguyễn Thị Dung (ngụ phường Linh Đông, quận Thủ Đức) cũng bị lừa bởi một người đàn ông tự xưng qua điện thoại là sĩ quan thuộc Công an huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Người này nói chị liên quan một đường dây tội phạm và mời chị đến Công an huyện Tân Biên để làm việc.
Chị Dung từ chối, lập tức người đàn ông này chuyển điện thoại cho một phụ nữ xưng là cán bộ VKSND tỉnh Tây Ninh, yêu cầu chị chuyển 50 triệu đồng từ tài khoản thẻ ATM của chị vào tài khoản của một người tên Zheng Shi Bing và nói sau khi xác minh thông tin xong, nếu đúng chị không liên quan thì trong vòng 24 giờ, cơ quan chức năng sẽ trả lại tiền chị đã chuyển. Chị Dung thực hiện và sau đó vài giờ mới nhận ra bị lừa.
Trước vụ của chị Dung, lúc 9 giờ ngày 9-1-2014, ông Trần Sĩ (ngụ phường 3, quận Bình Thạnh) nhận điện thoại từ số máy của một người xưng là cán bộ ở Bộ Công an đang điều tra chuyên án có liên quan đến ông và cho ông biết ban chuyên án yêu cầu ông chuyển 400 triệu đồng vào một số tài khoản. Ông Sĩ đã đến NH S. (phường 7, quận Phú Nhuận) để chuyển tiền. Chuyển xong, ông suy nghĩ lại và tá hỏa khi biết bị lừa nên trình báo cơ quan công an.
Cứ như “ma ám”
Kể lại việc bị lừa, ông Trần Sĩ cho biết ở tuổi ngũ tuần mà còn bị lừa quá đơn giản như thế thì đau quá. Nhưng đến bây giờ, ông cũng không lý giải được vì sao lại nghe lời bọn lừa đảo dễ dàng như thế. 400 triệu đồng là khoản tiền không hề nhỏ đối với lợi nhuận của một doanh nghiệp cỡ trung bình như của ông. Tuy nhiên, do hiểu biết có hạn về pháp luật nên trong quá trình làm ăn rất khó biết có dính dáng vào chuyện pháp luật hay không, nhất là khi có vi phạm nhưng chỉ là sự vô tình. “Cứ như “ma ám” ấy” - ông Sĩ chua xót.
Kỳ tới: Kịch bản giản đơn
Bình luận (0)