Ngày 26-2, VKSND Tối cao cho biết đang nghiên cứu cáo trạng truy tố bị can Hứa Thị Phấn (SN 1947, nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng Đại Tín - TrustBank), Ngô Kim Huệ (SN 1980, nguyên Phó Tổng Giám đốc TrustBank) và Bùi Thị Kim Loan (SN 1978, nguyên kế toán Công ty Phú Mỹ) về 2 tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Ngoài ra, 25 bị can khác nguyên là nhân viên dưới quyền của Hứa Thị Phấn cũng bị truy tố riêng lẻ 2 tội danh này.
Cáo buộc 5 hành vi
Theo hồ sơ vụ án, trong thời gian giữ chức vụ cố vấn cao cấp HĐQT TrustBank, bà Hứa Thị Phấn có nhiệm vụ tư vấn cho thường trực HĐQT về công tác quản trị và hoạch định chiến lược phát triển kinh doanh của ngân hàng. Thế nhưng, lợi dụng việc nắm giữ 84,92% vốn điều lệ TrustBank, bà Phấn đã lũng đoạn mọi hoạt động đầu tư, hoạt động tín dụng và thu chi tiền mặt, cố ý làm trái Luật Kế toán, Luật Các Tổ chức tín dụng và Điều lệ TrustBank… Từ đó, bà Hứa Thị Phấn đã rút ruột, chiếm đoạt và sử dụng 12.005 tỉ đồng của TrustBank.
Đại gia Hứa Thị Phấn (hàng đầu bên trái) bị cáo buộc rút ruột hàng ngàn tỉ đồng của Ngân hàng Đại Tín
Theo đó, Bộ Công an cáo buộc bà Phấn phạm tội thông qua 5 hành vi: Nâng khống căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch (quận 3, TP HCM) bán cho TrustBank chiếm đoạt và gây thiệt hại 1.105 tỉ đồng; hạch toán thu khống để sử dụng trái pháp luật 5.256 tỉ đồng; thông qua 29 khoản vay của nhóm Phú Mỹ chiếm đoạt và sử dụng 3.581 tỉ đồng; chỉ đạo TrustBank đầu tư trái pháp luật vào 4 dự án bất động sản, chiếm đoạt và sử dụng 1.037 tỉ đồng và nâng khống 25 bất động sản khác bán cho TrustBank để chiếm đoạt và sử dụng 1.024 tỉ đồng.
Trong 5 hành vi vi phạm nghiêm trọng của bà Hứa Thị Phấn, Bộ Công an đã tách các vụ án, sự việc và đối tượng để điều tra tiếp; bao gồm: Hành vi chiếm đoạt 3.581 tỉ đồng, 1.037 tỉ đồng và 1.024 tỉ đồng. Như vậy, trong vụ án này, chỉ xử lý 2 hành vi của bà Phấn đã gây thiệt hại cho TrustBank số tiền 6.362 tỉ đồng.
Với các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng này chính là nguyên nhân dẫn đến thực trạng tài chính TrustBank rất xấu và bị Ngân hàng Nhà nước xếp hạng ngân hàng yếu kém. Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam sau này (TrustBank đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam vào tháng 5-2013). Khi nhóm cổ đông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh nhận chuyển quyền và nghĩa vụ liên quan đến TrustBank, thực hiện tái cơ cấu dẫn đến Ngân hàng Nhà nước phải mua lại với giá 0 đồng để gánh toàn bộ lỗ lũy kế 27.000 tỉ đồng.
"Độc chiêu" phù phép nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch
Bằng việc nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, bà Phấn đã bán cho TrustBank để chiếm đoạt 1.105 tỉ đồng. Năm 2008, bà Phấn nhận chuyển nhượng căn nhà trên với giá 371 tỉ đồng, sau đó bán lại cho Công ty Địa ốc Lam Giang (công ty của bà Phấn) với giá 426 tỉ đồng.
Kế đến, bà Phấn đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện việc mua đi bán lại và nâng khống giá trị căn nhà lên gấp nhiều lần so với giá thị trường. Bà Phấn chỉ đạo Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng Đại Tín định giá, nâng khống giá trị căn nhà này lên đến 1.268 tỉ đồng (giá thị trường là 154 tỉ đồng) và chỉ đạo HĐQT và Ban Điều hành TrustBank mua căn nhà với giá 1.260 tỉ đồng rồi rút ruột 1.105 tỉ đồng tiêu xài cá nhân.
Theo kết luận thanh tra TrustBank, đến tháng 2-2012 ngân hàng này đã lỗ lũy kế 6.061 tỉ đồng, âm vốn chủ sở hữu 2.854 tỉ đồng nên số tiền 1.105 tỉ đồng bà Phấn chiếm đoạt là tiền gửi của dân, đến nay không thu hồi được.
Công ty Phương Trang… đau đầu!
Từ tháng 5-2010 đến tháng 2-2012, TrustBank Chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang đã giải ngân cho Công ty Phương Trang cùng 18 công ty và 22 cá nhân có quan hệ hợp tác tổng cộng 83 khoản vay hiện nay còn dư nợ 25.941 tỉ đồng gồm 9.437 tỉ đồng dư nợ gốc và hơn 16.000 tỉ đồng dư nợ lãi.
Tuy nhiên, Công ty Phương Trang xác định rằng trong tổng số hơn 16.000 tỉ đồng mà TrustBank đã giải ngân trên sổ sách của 83 khoản vay và 1 khoản phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Công ty Phương Trang chỉ nhận được 3.937 tỉ đồng.
Công ty Phương Trang tố cáo bà Phấn và TrustBank lợi dụng việc Công ty Phương Trang là doanh nghiệp có quy mô lớn, có nhiều bất động sản giá trị lớn, cần tiền đầu tư kinh doanh nên buộc ký trước hồ sơ vay, chứng từ giải ngân và chứng từ nhận tiền mặt, phê duyệt hồ sơ vay và giải ngân nhưng không thông báo cho Công ty Phương Trang. Công ty Phương Trang đồng thời tố cáo bà Hứa Thị Phấn lợi dụng các hồ sơ vay của công ty này ký trước với mong muốn vay được tiền để đẩy dư nợ cho Công ty Phương Trang.
Bộ Công an truy ngược dòng tiền xác định bà Phấn đã lợi dụng ảnh hưởng tại TrustBank, chỉ đạo nhân viên lập chứng từ thu khống 5.256 tỉ đồng rồi hạch toán khống trên hệ thống SmartBank. Sau đó, lợi dụng việc Công ty Phương Trang ký trước hồ sơ vay, chứng từ giải ngân và chứng từ rút tiền mặt, chi khống tiền giải ngân các khoản vay của Công ty Phương Trang (không chuyển tiền hoặc chuyển không đủ cho Công ty Phương Trang). Bà Phấn đã cấn trừ các chứng từ thu khống 5.256 tỉ đồng để không làm chênh lệch tồn quỹ tiền mặt thực tế so với số liệu tiền mặt trên sổ sách hạch toán, che giấu hành vi phạm tội, đẩy dư nợ khống cho Công ty Phương Trang.
Đến nay, Công ty Phương Trang chỉ thừa nhận thực nhận và chịu trách nhiệm thanh toán 3.937 tỉ đồng, không chấp nhận số dư nợ gốc 9.437 tỉ đồng nên TrustBank không thể đòi nợ và cũng không thể xử lý tài sản để thu hồi nợ vay của Công ty Phương Trang.
Kê biên tài sản, truy nã em trai bà Phấn
Theo hồ sơ, tài sản bảo đảm vay của Công ty Phương Trang là 221 ô tô, 44 bất động sản tại TP HCM, Đà Nẵng và Long An. Hiện nay, Bộ Công an đã kê biên 44 bất động sản giao cho Ngân hàng Xây dựng và Công ty Phương Trang tiếp tục quản lý, bảo quản cho đến khi có quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền.
Kê biên 114 bất động sản là tài sản bảo đảm cho 29 khoản vay của nhóm Phú Mỹ do bà Phấn làm đại diện; phong tỏa tài sản của bà Phấn gồm: 620.775 cổ phần Trường ĐH Công nghệ TP HCM; hơn 1 triệu cổ phần SSG và 3,1 tỉ đồng. Đồng thời, Bộ Công an cũng kê biên, phong tỏa khối tài sản, cổ phần, bất động sản của người thân, con cháu bà Hứa Thị Phấn là những bị can trong vụ án.
Đặc biệt, Bộ Công an đã ra quyết định truy nã ông Hứa Xường (SN 1952, em ruột bà Phấn) khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Bình luận (0)