Sự cố này gây tâm lý hoang mang, rung chấn về hoạt động xét xử. Trong thời gian rất ngắn, báo chí, mạng xã hội đồng loạt lên tiếng, phân tích, mổ xẻ nhiều góc độ.
Phản ứng trước sự cố này, lãnh đạo TAND tối cao gần như ngay lập tức yêu cầu TAND tỉnh Bình Phước báo cáo, còn TAND cấp cao tại TP HCM ban hành ngay kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm vừa tuyên chưa ráo mực. Phản ứng ngay và nhanh của TAND tối cao và TAND cấp cao tại TP HCM được dư luận đón nhận rất tích cực. Dư luận hy vọng với tinh thần bảo vệ công lý, đảm bảo quyền con người, quyền công dân được Hiến pháp và Bộ luật tố tụng hình sự minh định, vụ án sẽ được làm sáng tỏ, minh bạch.
Hôm nay, TAND cấp cao tại TP HCM đang mở phiên xử giám đốc thẩm, xem xét lại toàn bộ nội dung vụ án, tính có căn cứ của bản án sơ thẩm, phúc thẩm. Dư luận mong chờ một phán quyết khách quan, công bằng từ các vị trong Hội đồng xét xử cấp giám đốc thẩm.
Trong vụ án này, dư luận mong chờ Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TP HCM chỉ ra được những điều còn mờ mà cấp sơ thẩm, phúc thẩm chưa hoặc không đề cập, làm rõ:
Thứ nhất: Tốc độ xe của ông Lâm Tươi điều khiển ngay tại thời điểm va chạm với xe ông Phước là bao nhiêu km/h để làm căn cứ xác định ông Tươi có vi phạm quy định của Luật Giao thông đường bộ về tốc độ tối đa được xác định theo biển báo hiệu đường bộ tại đoạn đường xảy ra tai nạn hay không?
Thứ hai: Khi điều khiển xe trong tình trạng có nồng độ cồn cao (0,57miligam/l lít khí thở), không có giấy phép lái xe, ông Tươi có đủ độ tỉnh táo để quan sát, xử lý tình huống khi phát hiện xe ông Phước rẽ sang phần đường ông Tươi đang điều khiển không? Lỗi của ông Tươi trong trường hợp này có phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông hay chỉ là lỗi vi phạm hành chính như các cấp sơ thẩm, phúc thẩm xác định.
Thứ ba: Một trong những chứng cứ còn tranh cãi giữa ông Phước và cơ quan tố tụng các cấp tỉnh Bình Phước là vị trí xảy ra tai nạn giao thông. Theo các cơ quan tố tụng xác định: Xe của ông Phước ngã tạo thành vết cà, điểm đầu vết cà cách đường 2,2m, theo hướng từ tim đường vào phía lề đường. Như vậy, điểm đầu vết cà này có phải là điểm xảy ra tai nạn hay không? Đây là vấn đề mấu chốt vụ án. Vì nếu điểm đầu vết cà này là điểm xảy ra tai nạn thì mới có cơ sở xác định ông Tươi đi đúng phần đường, làn đường của mình khi tham gia giao thông. Ngược lại, ông Phước cho rằng, điểm xảy ra tai nạn giao thông cách lề phải (phần đường ông Tươi) là 3,9m, tức là ông Tươi lấn sang phần đường của ông Phước. Muốn xác định việc này phải tiến hành thực nghiệm điều tra hoặc giám định để xác định hướng tác động.
Thứ tư: Theo bản án sơ thẩm, phúc thẩm, ông Phước khai khi ông rẽ trái thì bị hại Trần Hữu Quý chồm người lên phía trước ghì tay lái xe ông. Còn nhân chứng khai, nạn nhân Quý vịn tay vào vai của ông Phước khi ông này rẽ trái. Cần làm rõ việc nạn nhân Quý ghì tay lái xe (hay vịn vai) thì ảnh hưởng như thế nào đến khả năng điều khiển, quan sát của ông Phước?
Khi làm rõ các nội dung trên mới có thể xác định chính xác, khách quan lỗi của từng chủ thể tham gia giao thông (ông Phước, ông Tươi, ông Quý) trong việc xảy ra tai nạn giao thông. Từ đó, cơ quan tố tụng mới có thể xác định đây là lỗi hỗn hợp hay lỗi chính thuộc về ai và đưa ra một phán quyết khách quan.
Trường hợp xác định lỗi ông Phước là lỗi chính (như các cấp tòa ở Bình Phước xác định) thì việc xét xử của các cấp tòa ở Bình Phước là không sai và cần giải tỏa áp lực cho họ. Ngược lại, nếu xác định đây là lỗi hỗn hợp hay lỗi chính thuộc về ông Tươi thì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm đối với ông Tươi và kết án oan đối với ông Phước.
Bình luận (0)