Tiến sĩ Nguyễn Vinh Huy, Chủ tịch sáng lập Hệ thống Luật Thịnh Trí, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, trả lời: Khoản 1 điều 24 Luật Cư trú 2006 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú năm 2013 quy định cụ thể: "Sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân". Vì vậy, việc có tên trong sổ hộ khẩu chỉ có ý nghĩa quản lý hành chính, xác định nơi thường trú của công dân chứ không ảnh hưởng đến quyền sở hữu tài sản của công dân.
Ngoại lệ, sổ hộ khẩu chỉ có ý nghĩa xác định quyền tài sản khi tài sản đó là tài sản chung của hộ gia đình. Theo quy định tại điều 212 Bộ Luật Dân sự 2015, sở hữu chung của các thành viên trong gia đình là: "Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của bộ luật này và luật khác có liên quan". Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Về quyền thừa kế, việc đăng ký hộ khẩu cũng không ảnh hưởng đối với quyền thừa kế. Theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015, quyền thừa kế được xác định theo di chúc của người để lại di sản. Trường hợp không có di chúc, di chúc không có hiệu lực, những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế; hoặc những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản thì di sản thừa kế được chia theo pháp luật, khi thừa kế được chia theo pháp luật thì những người thừa kế được xác định theo thứ tự các hàng thừa kế quy định tại điều 651 Bộ Luật Dân sự 2015.
Như vậy, việc bạn cho cháu nhập hộ khẩu vào nhà mình không ảnh hưởng đến các quyền sở hữu tài sản cũng như quyền thừa kế (trừ trường hợp ngoại lệ nêu trên).
Bình luận (0)