0 giờ ngày 12/1/2005, 2 người dân ở thành phố Nha Trang được đưa vào bệnh viện Khánh Hoà trong tình trạng hết sức nguy kịch do ăn cá nóc.
Chỉ mới gần 3 tháng đầu năm, chúng ta đã mất 4 mạng người do ăn thịt cá nóc. Trước đó, tình hình cũng không sáng sủa gì hơn. Năm 1999 cả nước có 12 vụ với 86 người mắc và 15 người chết; năm 2000 có 17 vụ và 20 người chết; chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2001 đã có 13 vụ với 55 người mắc và 14 người chết. Tính từ năm 1999 đến quý I/2003, số vụ ngộ độc cá nóc tăng liên tục từ 3,7% tới 38,8%. Số tử vong cũng tăng từ 21,1% lên 86,6%.
Tại Hà Nội, thịt cá nóc và các chế phẩm từ cá nóc tuy không phổ biến, nhưng loài cá gây ngộ độc cho 9 người dưới tên gọi cá bống biển thì bày bán công khai tại hầu khắp các chợ, giá thành hiện nay là 40.000 đ/kg. Đây cũng là món ăn phổ biến tại nhiều quán cơm bình dân. Cách chế biến loại cá này khá đơn giản, chỉ cần ngâm vào nước rồi đem rán giòn. Ăn khá ngon, giá cả phải chăng nên được tiêu thụ khá nhiều.
Theo một số bác sĩ khoa Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), biểu hiện của 9 bệnh nhân sau khi ăn cá bống biển khá phù hợp với triệu chứng của người ngộ độc cá nóc, dù nhẹ hơn. Vì vậy, rất có thể đây là tên gọi khác của một loại cá nóc. Đáng lo ngại là nhiều người vẫn không lường trước được mối nguy hại tiềm ẩn trong cá bống biển nên vẫn tiếp tục mua về ăn.
Thêm vào đó, cho đến nay vẫn chưa hề có một biện pháp nào nhằm ngăn chặn việc kinh doanh, chế biến loại cá này nên người nào không may, ăn phải con cá nhiễm độc thì... ráng chịu!
Hiện một số nhà hàng Hàn Quốc tại Hà Nội cũng bán món sushi cá nóc (một món ăn có giá cắt cổ trên đất Hàn), nhưng công thức chế biến loại cá này một cách đảm bảo nhất vẫn còn là một bí quyết mà “nghe đâu” chỉ những đầu bếp có chứng chỉ mới được chế biến vì yêu cầu vệ sinh rất cao, chỉ lơ là trong giây phút là có thể gây chết người, làm sập tiệm dễ dàng.
Một quan chức Bộ Thuỷ sản cho biết: Đúng là thịt cá nóc có thể ăn được, nhưng phải là loài cá nóc hoàn toàn không chứa độc tố vì cá nóc bao gồm nhiều loài khác nhau. Có loài độc và không độc. Mặt khác, độc tố của cá nóc biến động khá phức tạp theo mùa vụ và theo cá thể. Trong cùng một loài có thời điểm trong năm mang độc tính cao (cá nóc trong mùa mang trứng sẽ trở nên độc hơn), và sẽ có những cá thể độc nhiều hoặc ít độc.
Độc tố cá nóc cao nhất ở gan và trứng, nhưng toàn bộ cơ thể đều có chứa độc tố cao, do đó chỉ ăn thịt cá nóc cũng có khả năng bị ngộ độc. Ngoài ra chưa có một công trình khoa học nào công bố về những giá trị dinh dưỡng đặc biệt của thịt cá nóc như những lời đồn đại, còn mức độ thơm ngon thì hoàn toàn tuỳ thuộc cảm nhận cá nhân.
Tại hội nghị triển khai tháng hành động vì vệ sinh an toàn thực phẩm ngày 15/3, PGS. TS Trần Đáng - Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cũng khuyến cáo: Hãy tránh xa cá nóc. Không chỉ thịt cá nóc độc hại, mà gai cá nóc đâm vào da thịt cũng có nguy cơ dẫn tới tử vong.
Trong khi Bộ Thuỷ sản vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, trong khi Việt Nam chưa có thống kê hoàn chỉnh công bố về các loại cá nóc độc hại tại vùng biển nước ta, người dân tốt nhất “kiêng” ăn thịt cá nóc để tránh mua và sử dụng nhầm. TS Đáng nhấn mạnh, hiện nay Bộ Thuỷ sản vẫn đang nghiên cứu tìm ra phương pháp chế biến cá nóc đảm bảo độ an toàn, nên việc tiếp tục ăn cá nóc được chế biến thủ công là hành động hết sức liều lĩnh.
Bình luận (0)