Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết trong năm 2019, công tác đảm bảo an toàn hàng không Việt Nam cơ bản được đảm bảo tốt, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm lễ Tết; Tiếp tục duy trì 23 năm liên tục không xảy ra tai nạn máy bay có thiệt hại về người.
Công tác an ninh hàng không được đảm bảo. Trong năm 2019, các đơn vị ngành hàng không đã chuyển giao 555 hồ sơ vụ việc vi phạm quy định về an ninh hàng không có dấu hiệu hình sự cho cơ quan Công an xử lý theo quy định; chuyển giao 5 vụ việc cho đơn vị quân đội xử lý; chuyển giao 3 vụ việc cho Chi cục Hải quan Tân Sơn Nhất xử lý.
Lực lượng an ninh hàng không tại sân bay quốc tế Nội Bài - Ảnh minh họa: Dương Ngọc
Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết trong năm qua, thị trường hàng không tăng trưởng cao trong khi hạ tầng cảng hàng không, sân bay còn hạn chế về năng lực đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó thị trường hàng không Việt Nam năm 2019 vẫn tiếp tục có sự tăng trưởng ổn định, sản lượng hành khách thông qua hệ thống cảng hàng không, sân bay ước đạt 115,5 triệu lượt hành khách, tăng 11,8% và hàng hóa ước đạt 1,5 triệu tấn, tăng 11% so với năm 2018. Vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đạt gần 55 lượt triệu hành khách, tăng 11,4% và 435 ngàn tấn hàng hóa, tăng 7,6% so với năm 2018.
Công tác điều hành an toàn, điều hòa, hiệu quả hai vùng thông báo bay (FIR HCM và FIR HAN) gồm toàn bộ vùng trời lãnh thổ Việt Nam và phần vùng trời trên biển quốc tế do ICAO giao Việt Nam quản lý rộng 1,2 triệu km2 ; Tổ chức và sử dụng vùng trời với 30 đường hàng không nội địa, 35 đường hàng không quốc tế và hơn 300 phương thức bay theo công nghệ truyền thống (đi, đến, tiếp cận hạ cánh, bay chờ) kèm tiêu chuẩn khai thác thời tiết tối thiểu cho 22 sân bay. Dự kiến tổng số chuyến bay điều hành năm 2019 đạt 963.000 chuyến, tăng 7% so với năm 2018.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Cục Hàng không Việt Nam cũng chỉ ra những nguyên nhân, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực hàng không dân dụng như: Quản lý đất đai; cơ chế đầu tư tại cảng hàng không sân bay; cơ chế quản lý hãng hàng không gắn với quy trình phê duyệt chủ trương đầu tư; việc quản lý đầu tư cảng hàng không sân bay mới và kinh doanh dịch vụ hàng không.
Công tác tham mưu còn chưa chủ động, kịp thời tham mưu trước một bước về dự báo xu thế phát triển để giải quyết các mâu thuẫn (sự tăng trưởng nhanh hơn của thị trường vận tải so với tăng năng lực phục vụ của hệ thống kết cấu hạ tầng hàng không và phương thức tổ chức vùng trời, điều hành bay; sự gia tăng về đối tượng quản lý về an toàn hàng không với khó khăn trong việc bổ sung nguồn nhân lực làm công tác giám sát).
Khung pháp lý chưa được kịp thời bổ sung, sửa đổi để tương thích với các quy định mới của hệ thống pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng và sự thay đổi vai trò chủ sở hữu Nhà nước của Bộ Giao thông Vận tải với các doanh nghiệp trong ngành hàng không và loại hình doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Công tác phân định ranh giới đất giữa dân dụng và quân sự còn chưa thống nhất.
Ngoài ra, nguồn nhân lực chất lượng cao làm công tác tham mưu còn thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ được giao do cơ chế tuyển dụng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực và chế độ đãi ngộ hiện tại chưa đủ hấp dẫn để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc cho cơ quan quản lý Nhà nước. Cùng với đó là sự chưa hoàn thiện của hệ thống pháp luật dẫn đến có nhiều cách tiếp cận và cách giải quyết vấn đề khác nhau. Điều này gây nên sự thiếu thống nhất về quan điểm giữa các cơ quan được tham vấn, trao đổi ý kiến khi giải quyết công việc.
Bình luận (0)