xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Có dấu hiệu lừa đảo trong vụ bắt người lao động như khổ sai

Bài và ảnh: HỒNG ÁNH

Ngoài việc tìm mọi cách giải cứu người lao động, Công an huyện Sông Hinh - Phú Yên đang truy tìm những người môi giới việc làm trong vụ này

img

Bà Tun Blinh ôm cháu, trông ngóng con gái mỗi chiều

Ngày 17-10, thượng tá Phan Thanh Văn, Phó trưởng Công an huyện Sông Hinh - Phú Yên, cho biết đang xin ý kiến để phối hợp với cơ quan chức năng địa phương lên tỉnh Lâm Đồng giải cứu 19 lao động còn bị kẹt lại trong vụ lừa lao động đi hái cà phê (Báo Người Lao Động ngày 17-10 đã thông tin).

19 người còn kẹt lại

Chàng thanh niên 18 tuổi Lê Mo Y Thứ (ngụ buôn Tun Chách, xã Ea Bia, huyện Sông Hinh) vẫn còn sợ hãi khi gặp người lạ. Sau khi đưa đến Lâm Đồng, Y Thứ bị đưa về làm việc tại một cơ sở trồng nấm ở xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà với mức lương 2,2 triệu đồng/tháng. Riêng tháng đầu, Y Thứ bị trừ tiền xe đưa đi là 1,3 triệu đồng. “Mỗi đêm, họ chỉ cho em ngủ 2 giờ. Em phải hái nấm từ 1 giờ sáng, ngủ gật là bị đánh ngay” - Y Thứ lí nhí kể lại.

Trong khi đó, do quá nghèo, chị Mí Chi (cùng ngụ buôn Tun Chách, chồng bỏ đi đã lâu) phải gửi 3 con nhỏ cho mẹ là bà Tun Blinh nuôi, cũng đang bị kẹt ở Lâm Đồng nhưng không có người chuộc về. Ôm đứa cháu nhỏ ngồi ở cửa mong ngóng con, bà Tun Blinh sụt sùi nói: “Bây giờ, không có tiền mua gạo cho cháu ăn, lấy tiền đâu mà chuộc mẹ nó về!”.

Theo điều tra ban đầu của Công an huyện Sông Hinh, ở Phú Yên có tất cả 26 người thuộc 2 xã Ea Bia (huyện Sông Hinh) và Suối Trai (huyện Sơn Hòa) bị lừa đi hái cà phê. Trong đó, riêng xã Ea Bia có đến 23 người. Trước đó, ngày 28-9, một số người từ Đắk Lắk đến xã Ea Bia để tìm người thuê hái cà phê tại Đắk Lắk với mức lương rêu rao là 3,6 triệu đồng/tháng. Đến ngày 30-9, có 26 lao động của địa phương đồng ý và được đưa đi nhưng không đến Đắk Lắk mà lại đến Công ty TNHH Đức Hoàng, một doanh nghiệp môi giới việc làm ở thôn Đoàn Kết, xã N’Thôn Hạ, huyện Đức Trọng - Lâm Đồng.
Sau đó, số lao động này được Công ty Đức Hoàng chuyển đến nhiều cơ sở ở huyện Lâm Hà, TP Bảo Lộc - Lâm Đồng và chỉ được hưởng lương trung bình 2,3 triệu đồng/người/tháng. Khi đến những cơ sở này, người làm thuê bị chủ giữ CMND và ĐTDĐ, phải làm việc nặng nhọc, giờ giấc không theo quy định. Vì không chịu nổi, nhiều lao động xin về và bị chủ buộc phải nộp tiền chuộc trung bình 1,8 triệu đồng/người.
Đến nay, mới có 7 người được chuộc về, số còn lại không có tiền chuộc. “Bản chất vấn đề là những người môi giới tìm lao động và hứa hẹn rồi sau đó giao lại cho công ty để hưởng chênh lệch nhưng do chưa xác định được người môi giới là ai, số tiền mà họ chiếm đoạt là bao nhiêu nên chưa khẳng định họ lừa đảo” - thượng tá Phan Thanh Văn cho biết.

Công ty môi giới có nhiều sai phạm

Cũng theo thượng tá Phan Thanh Văn, chủ trương của huyện là bằng mọi giá phải giải cứu và đưa những lao động còn kẹt lại về nhà. Công an huyện Sông Hinh cũng đang tìm tung tích những người môi giới, đồng thời thông báo rộng rãi để người dân không tiếp tục bị lừa.

Trong ngày 17-10, ông Kiều Văn Lân,  Trưởng Công an huyện Lâm Hà và ông Nguyễn Viết Văn,  quyền Trưởng Công an TP Bảo Lộc, cho biết chưa nghe thông tin về vụ lừa đảo này.

Trong khi đó, cùng ngày, ông Nguyễn Phú Chuyển, Trưởng Công an huyện Đức Trọng, cho biết thời gian qua, Công ty TNHH Đức Hoàng đã có nhiều sai phạm. Nhiều lao động đã không được công ty này đăng ký, một số lao động có dấu hiệu bị làm việc quá sức, không tương xứng với mức thu nhập của họ. “Từ lâu, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện đề nghị rút giấy phép Công ty TNHH Đức Hoàng” - ông Chuyển nói.
Cũng về doanh nghiệp này, Ông Phạm Thanh Quang, Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng, cho biết từ lâu, huyện cũng đã đề nghị Sở LĐ-TB-XH tỉnh Lâm Đồng rút giấy phép của Công ty TNHH Đức Hoàng nhưng đến nay, Sở LĐ-TB-XH tỉnh vẫn chưa rút giấy phép của doanh nghiệp này.

Ông Hoàng Bình, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Lâm Đồng, giải thích: “Đúng là Công ty Đức Hoàng có một số sai phạm nhưng chưa đến mức phải rút giấy phép nên phòng nghiệp vụ của sở chưa đề xuất rút giấy phép”. Về 26 lao động Phú Yên được Công ty Đức Hoàng môi giới, ông Bình cho rằng: “Đó là chuyện quan hệ dân sự của hai bên. Khi nào họ trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu, chúng tôi sẽ can thiệp”.

Nhiều người ở Quảng Ngãi cũng bị lừa

Ông Nguyễn Viết Văn, quyền Trưởng Công an TP Bảo Lộc - Lâm Đồng, cho biết cách đây gần một tuần, công an huyện có nhận được công văn của tỉnh Quảng Ngãi đề nghị hỗ trợ tìm tung tích và giải cứu một số lao động từ tỉnh này bị đưa lên Bảo Lộc làm việc nặng nhọc nhưng nhận lương thấp. “Chúng tôi đã cử lực lượng đi điều tra vụ này nhưng do tìm nơi thuê lao động rất khó khăn nên vẫn chưa có kết quả” - ông Văn nói.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo