Kim Anh òa khóc ân hận.
Thượng tá Nguyễn Đức Chung, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP Hà Nội, phân tích: Bình thường, sau khi gây án, hung thủ tỏ ra lo lắng, hoang mang hoặc bỏ trốn, nhưng Kim Anh thì không như vậy. Đây là quy luật trái chiều, thể hiện diễn biến tâm lý mới của tội phạm.
Sự bình tĩnh của hung thủ
Theo lời khai của Kim Anh thì sau khi dùng dao cứa cổ anh Chính, Kim Anh vẫn thấy anh ta lái xe bỏ đi, nghĩ rằng anh Chính chỉ bị thương. Sở dĩ, Kim Anh không về nhà mấy ngày liền mà phải nhờ cô bạn đến nhà lấy túi xách và quần áo vì lo sợ anh Chính sẽ tìm đến nhà để trả thù.
Tuy nhiên, khi biết tin anh Chính chết, nghĩ lại những gì đã xảy ra, Kim Anh cho rằng, CQĐT không thể tìm ra mình. Mối quan hệ giữa Kim Anh và nạn nhân đã có thời gian ngắt quãng, khi gây án, lúc đó đường vắng, không có ai có thể nhìn thấy Kim Anh. Và sau đó, Kim Anh đã ném chiếc sim điện thoại tại khu vực Thanh Xuân và tiếp tục ném chiếc điện thoại vào hàng cây ven đường (có lúc Kim Anh khai là không nhớ, hình như thả ngay giữa đường trên đường tẩu thoát).
Sau đó, để mọi người không phát hiện ra mình có biểu hiện bất thường, Kim Anh vẫn ăn, ngủ và đi chơi với người yêu, liên lạc với bạn bè một cách bình thường.
Cho đến tối 18-2, khi vừa đi chơi cùng người yêu về đến đầu ngõ nhà H., thoáng thấy đông người, Kim Anh bỏ chạy nhưng không thoát. Suốt từ 23 giờ hôm trước đến 13 giờ ngày hôm sau, kể từ khi bị bắt, Kim Anh mới chịu nhận tội.
Đã từng chứng kiến các cuộc thực nghiệm điều tra nhưng nhiều điều tra viên và ngay cả những phóng viên cũng cùng chung nhận định: Không hiểu có phải quá căm thù nạn nhân hay đã chuẩn bị tâm lý khá vững vàng để trả giá về hành vi phạm tội của mình mà Kim Anh thực nghiệm một cách bình tĩnh, chính xác và lạnh lùng.
Đến khi thực nghiệm điều tra xong, thậm chí Kim Anh còn tự bước đi mà không cần các nữ điều tra viên dìu, cũng như không một lần nhìn chiếc xe Lexus đỗ trong sân đang từ từ rời khỏi trụ sở số 7 Thiền Quang.
Kim Anh chủ động liên lạc
Trong lời tường trình của mình với CQĐT, Vũ Thị Kim Anh đã viết rằng, từ hôm 12-2, Kim Anh đã mua một chiếc sim điện thoại khuyến mại để dùng. Sau khi kích hoạt chiếc sim mới này, Kim Anh mới dùng để liên lạc với anh Nguyễn Tiến Chính, 42 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Cũng theo lời trình bày của Kim Anh thì tối 13-2, Kim Anh chủ động nhắn tin cho anh Chính với ý định trêu đùa nhưng không ngờ anh Chính điện thoại lại. Nói chuyện một lúc thì anh Chính nhận ra giọng Kim Anh và rủ Kim Anh đi chơi, với ý định quan hệ “thân mật” nhưng bị Kim Anh từ chối.
Tối hôm đó, Kim Anh đã hẹn với H. - người yêu. Thế nhưng, do bị anh Chính dọa dẫm, đe rằng sẽ kể mối quan hệ khăng khít giữa hai người trước kia nên Kim Anh buộc phải nhận lời đi ăn cùng… và rồi vụ án mạng ngoài ý muốn đã xảy ra.
Trước khi đi ăn với anh Chính, tối hôm đó, Kim Anh đi uống nước cùng một thầy giáo. Giã từ thầy giáo, tắm xong, Kim Anh mới nhắn tin cho anh Chính.
Suốt những ngày sau đó, Kim Anh tỏ ra bình thường, vẫn quấn quýt bên người yêu và sinh hoạt bình thường.
-Em biết anh Chính chết khi nào?
- Đó là buổi chiều hôm sau, khi em đọc báo của ngành Công an thì em biết!
- Em có đọc hết không?
- Không, chỉ liếc qua và nhìn thấy ảnh!
Trước khi ký vào biên bản lấy lời khai, vừa đọc lại nội dung, Kim Anh còn không quên hỏi điều tra viên “Chú có ghi sai thêm điều gì cho cháu không đấy?”.
Lúc này, đồng hồ chỉ 11 giờ 15', khi thấy tôi hỏi: - Nếu được gặp một người thân trong gia đình, em chọn ai? Ngay lập tức, Kim Anh buông thõng: - Nếu được gặp thì gặp cả nhà chứ gặp một người thì không giải quyết được gì!
Ngay sau đó, chúng tôi đã chứng kiến cuộc gặp gỡ giữa bố mẹ với Kim Anh. Những nhạt nhoà nước mắt, những cảm giác đau xót, ân hận và choáng váng. Và đúng như lời mẹ Kim Anh dặn dò con gái mình trong nước mắt: Chỉ có sự thành khẩn khai báo mới được pháp luật khoan hồng…
Bình luận (0)