Sáng 15-7, TAND quận Tân Phú đã mở phiên tòa xét xử vụ "Cô giáo mầm non nhốt trẻ vào thang máy" và tuyên phạt bị cáo Trần Thị Xuân Nữ (giáo viên mầm non trường Hoa Lan, phường Tân Quý, quận Tân Phú) 4 năm tù về tội danh “Cố ý gây thương tích”.
Bị cáo Trần Thị Xuân Nữ tại tòa
Theo cáo trạng và lời khai của bị cáo tại tòa, bị cáo Nữ được giao nhiệm vụ chăm sóc các bé học lớp chồi (từ 4 đến 5 tuổi) tại tầng 1 của trường.
Vào khoảng 11 giờ ngày 17-9-2010, sau khi chuẩn bị bữa ăn cho các bé, bị cáo Nữ cùng một giáo viên khác chia lớp thành hai nhóm: một nhóm các bé nam, một nhóm các bé nữ.
Bị cáo Nữ phụ trách nhóm bé nam gồm 23 cháu, trong đó có cháu Lê Quang Vinh (sinh ngày 19-12-2006).
Do cháu Vinh không cầm muỗng xúc cơm ăn, bị cáo Nữ nhắc nhở nhiều lần nhưng cháu Vinh không nghe. Bị cáo dùng muỗng đút thì cháu Vinh phun ra.
Tức giận, Nữ xốc nách cháu Vinh bỏ vào thang máy dùng để vận chuyển thức ăn ở tầng 1, đóng cửa và nhấn nút vận hành thang máy di chuyển xuống tầng trệt.
Sau đó bị cáo Nữ đi xuống cửa thang máy ở tầng trệt, phát hiện tín hiệu cầu thang máy ở chế độ số 0, bị cáo mở cửa thang máy thì thấy cháu Vinh khóc thét, máu chảy ra nhiều nên đã đưa cháu Vinh đến Bệnh viện Phú Thọ cấp cứu. Sau đó, cháu Vinh được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy.
Theo kết luận giám định pháp y của Trung tâm pháp y thuộc Sở Y tế TPHCM, cháu Vinh bị chấn thương phần mềm ở đầu gây rách lóc da thái dương đỉnh trái, rách da chẩm, sưng bầm, sây sát da vùng mặt đã đuợc điều trị, hiện còn sẹo; chấn thương vùng thân gây sát da, gãy xương đòn trái, dập phổi đã được điều trị; vết thương phần mềm gây rách da tạo sẹo phẳng, không dính tại tầng sinh môn…Tỉ lệ thương tật toàn bộ 27% vĩnh viễn.
Quá trình điều tra, gia đình cháu Vinh đã yêu cầu giám định lại tỉ lệ thương tật của cháu và VKSND đã yêu cầu giải thích các vết thương của cháu Vinh do tác động bởi vật gì trong cầu thang máy, phân tích phần trăm của từng vết thương gây ra cho cháu Vinh.
Công an quận Tân Phú đã tiến hành trưng cầu Viện Pháp y Quốc gia giám định theo những yêu cầu trên. Theo đó, Viện pháp y quốc gia kết luận tỉ lệ thương tật do thương tích gây nên hiện tại là 41%, thương tật vĩnh viễn là 38%.
Cháu Lê Quang Vinh với vết sẹo trên đầu
Tại phiên tòa, bị cáo Nữ thừa nhận đã từng học qua trường lớp chăm sóc trẻ, cũng từng có thâm niên nuôi dạy trẻ (bị cáo công tác tại trường Hoa Lan từ năm 2001 đến 2010). Tuy nhiên, vì tức giận, thiếu suy nghĩ, bị cáo đã nhốt cháu Vinh vào thang máy với mục đích để cháu sợ mà chịu ăn. Bị cáo thật sự không ngờ hậu quả lại nghiêm trọng như vậy.
Cũng vì ăn năn hối hận và vì không muốn ảnh hưởng đến sức khỏe của cháu Vinh lần nữa nên dù biết kết quả giám định chênh lệch nhiều, ảnh hưởng đến hình phạt mà bị cáo phải chịu nhưng bị cáo cũng không yêu cầu giám định lại thương tật của cháu Vinh.
Bào chữa cho bị cáo, luật sư đề nghị xét xử Nữ về tội "Vô ý gây thương tích" vì bị cáo không hề mong muốn gây thương tích cho cháu Vinh. Ngoài ra, dù bị cáo Nữ không yêu cầu nhưng cũng nên cho hoãn phiên tòa để giám định lại tỉ lệ thương tật cho khách quan. Tuy nhiên, HĐXX đã bác yêu cầu của luật sư.
Theo nhận định của HĐXX, bị cáo Nữ nói không biết trước tính nguy hiểm của hành vi, không ngờ hậu quả xảy ra như vậy là không thể chấp nhận. Bị cáo biết chức năng của thang máy để vận chuyển thức ăn, không phải vận chuyển người cũng có nghĩa phải biết thang máy không an toàn, nhưng vẫn nhốt cháu Vinh vào. Bị cáo đã phạm lỗi cố ý gián tiếp, phạm tội với trẻ em là tình tiết định khung tăng nặng.
Tuy nhiên, bị cáo Nữ thật sự ăn năn, thành khẩn khai báo, gia đình và nhà trường đã khắc phục hậu quả (140 triệu đồng), nhân thân tốt, đại diện người bị hại bãi nại và xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Vì vậy, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nữ 4 năm tù về tội "Cố ý gây thương tích".
Bình luận (0)