Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Long An vừa có kết luận về những sai phạm nổi cộm ở cơ quan Thi hành án (THA) dân sự Cần Giuộc (Long An). Đó là cố ý làm trái, lạm quyền, tắc trách, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về THA dân sự và bán đấu giá tài sản...
Căn nhà bị cưỡng chế bán đấu giá của bà Trang Thanh Thủy
Tự ý bán đấu giá tài sản
Gần hai năm qua, bà Trang Thanh Thủy (xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, Long An), liên tục gởi đơn tố giác chấp hành viên Nguyễn Ngọc Khiêm có biểu hiện chèn ép, tiêu cực trong cưỡng chế bán đấu giá căn nhà của bà với giá rẻ để THA. Do thất bại liên tiếp trong những vụ tôm, bà Thủy mắc nợ ngân hàng và một số cá nhân với số tiền 150 triệu đồng, trong đó nợ bà Lê Kim Âu (người cùng địa phương) là 90 triệu đồng. Năm 2006, bà Âu kiện và được TAND huyện Cần Giuộc xử thắng kiện. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, bà Thủy liên hệ với cơ quan THA huyện xin được tự bán căn nhà đang ở tại khu vực chợ Núi để THA nhưng ông Khiêm không chấp nhận mà tiến hành kê biên, cưỡng chế, bán đấu giá căn nhà giữa lúc bà không có mặt tại địa phương. Căn nhà trị giá 200 triệu đồng qua đấu giá chỉ có 62 triệu đồng. Số tiền này dùng để trả nợ cho những ai, trả bao nhiêu, THA huyện Cần Giuộc không thông báo cho bà Thủy biết. Do việc cưỡng chế, bán đấu giá căn nhà tiến hành trong lúc không có mặt chủ sở hữu, bà Thủy khiếu nại đòi cơ quan THA Cần Giuộc bồi thường thiệt hại những tài sản bên trong (tủ lạnh, bàn, ghế, bếp gas, quạt máy...) trị giá 50 triệu đồng.
Một cán bộ Sở Tư pháp Long An cho biết việc cưỡng chế, bán đấu giá căn nhà của bà Thủy có tới 8 điểm vi phạm pháp luật về THA dân sự và bán đấu giá tài sản. Trước hết, dù trưởng THA huyện Cần Giuộc không ra quyết định phân công chấp hành viên nào thụ lý nhưng ông Nguyễn Ngọc Khiêm đã tự ý tổ chức thi hành bản án, dẫn đến những sai phạm khó khắc phục. Việc bán đấu giá cũng có những biểu hiện bất thường: không có công chứng viên tham dự, nhưng lại công chứng biên bản bán đấu giá; công chứng viên Nguyễn Minh Tuấn (Trưởng Phòng Công chứng số 2) tiến hành văn bản bán đấu giá vào lúc 14 giờ 30 phút ngày 8-5-2007, nhưng biên bản bán đấu giá ghi thời điểm kết thúc vào lúc 15 giờ cùng ngày. Kỳ lạ hơn, cơ quan THA Cần Giuộc hợp đồng với Trung tâm Bán đấu giá tài sản tỉnh Long An, nhưng hồ sơ thể hiện kết luận thanh lý với cơ quan THA huyện Tân Trụ, rồi thông báo cơ quan THA huyện Tân Thạnh đến nhận tiền bán đấu giá căn nhà bà Trang Thanh Thủy.
Ngoài trường hợp bà Thủy, việc THA đối với vụ ông Trần Văn Bé Hai (xã Đông Thạnh), chấp hành viên Nguyễn Ngọc Khiêm cũng có những sai phạm tương tự. Tài sản là nhà cất trên đất nông nghiệp, có cán bộ địa chính xã xác nhận nhưng đưa ra bán đấu giá ghi là đất thổ cư. Báo hại người mua không thể hợp thức hóa giấy tờ nhà ở, đất ở.
Vô tư “quên” thu phí
Một biểu hiện lạm quyền tương đối phổ biến ở cơ quan THA huyện Cần Giuộc là từ trưởng THA Ngô Văn Hoàng, phó THA Lưu Văn Hùng đến chấp hành viên Nguyễn Ngọc Khiêm, Nguyễn Phúc Lê Phương đều “quên” thu các khoản phí theo quy định của pháp luật như: phí THA, án phí, phí cưỡng chế..., gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Ví dụ, ông Lưu Văn Hùng “quên” thu phí THA lên đến 43,7 triệu đồng và tỉ lệ phần trăm trên 3.552 m2 đất thổ cư, 21.736 m2 đất nông nghiệp; 18,6 triệu đồng án phí, 2,7 triệu đồng phí cưỡng chế.
Ngoài ra, khi THA giao đất, thay vì phải đưa ra Hội đồng Định giá theo quy định pháp luật, chấp hành viên tự định giá theo cảm tính hoặc không định giá để không thu phí THA. Việc này vừa gây thất thu ngân sách vừa gây thiệt hại cho các bên được THA và phải THA do có trường hợp cao hơn giá thị trường, có trường hợp lại thấp hơn. Như vụ Nguyễn Thị Gái (xã Long Phụng) chia đất cho ba người, mỗi người được 461 m2, chấp hành viên tự định giá là 1,2 tỉ đồng để tính phí THA. Việc định giá gộp như vậy sẽ thấp hơn so với giá thị trường, gây thất thu ngân sách. Hay vụ ông Phan Kiến Vi (TPHCM) được THA 1.000 m2 đất tại xã Tân Kim, nhưng cơ quan THA “quên” định giá và thu phí THA. Mãi đến khi đoàn thanh tra đến làm việc, ông Ngô Văn Hoàng mới gọi điện đòi số “nợ” này cho ngân sách...
Thiếu minh bạch
Thẩm tra 223 hồ sơ trả đơn cho thấy, có nhiều vụ do trưởng THA Cần Giuộc Ngô Văn Hoàng trả đều thiếu thủ tục pháp lý, không được minh bạch. Trong đó có nhiều trường hợp trả đơn không tiến hành xác minh tài sản của người phải thi hành; có trường hợp biên bản xác minh có tài sản để THA nhưng vẫn trả đơn yêu cầu của người được THA. Ví dụ trường hợp Hồ Thị Phượng xác minh ngày 4-4-2007 có tài sản là nhà và ghe máy, nhưng biên bản ngày 15-1-2008 ghi bà Phượng không có tài sản để lấy đó làm cơ sở trả đơn người được THA. Cũng có trường hợp cơ quan THA thu tiền THA gởi vào kho bạc, nhưng vẫn nói với người được THA chờ xác minh tài sản, như trường hợp của ông Nguyễn Văn Tiện (xã Mỹ Lộc). Dù cơ quan THA đã thu tiền của người phải THA từ lâu nhưng không chịu chi trả cho ông. Qua đối chiếu hồ sơ, sổ sách, Thanh tra Sở Tư pháp Long An xác định ông Tiện khiếu nại chính xác.
Bao che cấp dưới Trong lúc tiến hành thanh tra làm rõ những sai phạm ở cơ quan THA dân sự huyện Cần Giuộc, cơ quan THA tỉnh Long An đã có hành vi cản trở bằng cách chỉ đạo các đối tượng bị thanh tra khắc phục sai phạm. Người tiết lộ thông tin của đoàn thanh tra lại chính là phó đoàn thanh tra, phó thủ trưởng cơ quan THA tỉnh Long An. Về việc này, Thanh tra Sở Tư pháp Long An đã kiến nghị giám đốc sở này phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ, xử lý theo pháp luật. |
Bình luận (0)