Khủng bố mọi kiểu, mọi đối tượng!
"Kính gởi Công an P.Sơn Kỳ, Q.Tân Phú, TP Hồ Chí Minh, tôi tên Nguyễn Duy, đăng ký tạm trú tại... Kể từ ngày 7.11.2004 đến nay, nhà tôi thường xuyên bị số máy di động 09084543... gọi đến văng tục, xúc phạm nhân phẩm và đe dọa tính mạng. Trong suốt hơn một tháng qua, cả nhà tôi phải thường xuyên mất ăn mất ngủ. Tôi đã nhiều lần liên hệ với các trung tâm dịch vụ bưu điện để tìm biện pháp ngăn chặn, không cho số điện thoại này gọi đến nhưng không có kết quả..." - đó là nội dung lá đơn của anh Nguyễn Duy mà chúng tôi được xem vào sáng 14/12. Với trạng thái bức xúc, anh Duy đặt câu hỏi: "Chẳng lẽ lại không có cách gì ngăn chặn loại tội phạm này?".
Cũng trong một tâm trạng tương tự, phóng viên X.H của một tờ báo tại TP.HCM đến gặp chúng tôi và kể: Khoảng 3 tháng nay, cô là nạn nhân của một vụ khủng bố "tình cảm". Cứ đến ngày cuối tuần thì máy của cô lại nhận được tin nhắn từ một số máy ĐTDĐ lạ, nói xấu bạn trai của cô, cung cấp những thông tin xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của bạn trai cô mà không hiểu nhằm mục đích gì. Nhưng khi cô gọi điện trở lại, thì chủ nhân chiếc ĐTDĐ kia không nghe (dù cô X.H đã thử bằng nhiều số máy điện thoại khác nhau). Một số cán bộ, phóng viên Báo Thanh Niên cũng đang là nạn nhân của tệ nạn này khi nhận được những tin nhắn từ một số máy ĐTDĐ lạ với những nội dung như: "Mày sẽ bị giết chết", "Hãy đợi đấy!/ Xuống âm phủ thì biết", "Còn một thằng (hoặc một tháng) nữa. Mày có nhiều kẻ thù lắm"...
Trong một lần trao đổi với người viết bài, một lãnh đạo cấp phòng của Công an TP.HCM cũng cho biết: Trong lúc vụ án Năm Cam đang được đưa ra xét xử, một lãnh đạo thuộc một cơ quan tư pháp TP.HCM cũng bị nhắn tin đe dọa, thậm chí một lãnh đạo của lực lượng công an cũng bị đe dọa bằng tin nhắn... Còn rất nhiều những người cụ thể bị khủng bố qua ĐTDĐ. Trong số các nạn nhân, có người là người nổi tiếng, có địa vị xã hội, có người chỉ là thường dân... Có người vội vàng báo cơ quan chức năng khi sự việc xảy ra, có người cho qua vì chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng...
Mua một số ĐTDĐ trên thị trường dễ hay khó?
Chiều 16/12, chúng tôi vào một cửa hàng bán ĐTDĐ trên đường Cống Quỳnh, Q.1, TP Hồ Chí Minh để tìm hiểu phương thức mua bán một simcard. Vừa nghe chúng tôi hỏi mua số ĐTDĐ, lập tức cô gái bán hàng giới thiệu ngay các loại hình thuê bao hiện có, đang được khách hàng ưa chuộng: "Anh muốn mua loại nào?". "Anh muốn mua một số ĐTDĐ nhưng không muốn để lại tên hoặc bất kỳ thứ gì có liên quan đến anh được không?". "Dạ được chứ anh! Anh chỉ cần trả tiền, lấy card, bỏ vào máy, kích hoạt là xong. Anh mua loại nào? Hồi nào tới giờ ở đây em bán có cần lấy tên, địa chỉ của khách hàng đâu. Chỉ có thuê bao trả sau mới cần... Cả 3 nhà cung cấp dịch vụ là MobiFone, Vinaphone, Viettel đều không cần lưu địa chỉ người mua số ĐTDĐ thuê bao trả trước". Thời buổi cạnh tranh quyết liệt, các nhà cung cấp dịch vụ ĐTDĐ đang tạo mọi điều kiện dễ dàng cho khách hàng để bán được càng nhiều sản phẩm càng tốt. Và, chính sự dễ dàng này đã bị những tên tội phạm lợi dụng!
Trao đổi với chúng tôi về đề tài này, một sĩ quan trinh sát Công an TP.HCM đã thừa nhận: Nạn đe dọa, khủng bố qua ĐTDĐ đã và đang ngày càng nhiều hơn lên, thực sự là điều đáng quan tâm đối với lực lượng công an. Tiếp xúc với chúng tôi cũng về đề tài này, lãnh đạo của một công ty cung cấp dịch vụ ĐTDĐ đóng trên địa bàn TP.HCM khẳng định: Nhà cung cấp dịch vụ có đủ biện pháp truy tìm chủ nhân số ĐTDĐ nếu có yêu cầu từ phía cơ quan công an - dù đó là thuê bao trả trước.
Thông thường thì cơ quan công an ít can thiệp vào việc này có lẽ vì chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Nhưng thế nào là hậu quả nghiêm trọng - tổn thương về mặt tinh thần cho bản thân và cả gia đình có được xem là nghiêm trọng hay không vẫn chưa được ai xác định và trả lời!
------------------------------------
Khủng bố bằng tin nhắn: Trách nhiệm của Vinaphone, MobiFone ở đâu?
Ông Phạm Quang Hảo (Phó giám đốc Vinaphone)
Khi khách hàng bị khủng bố hoặc bị quấy rối bằng tin nhắn hay gọi điện thoại qua máy di động, khách hàng cần làm đơn khiếu nại tới bưu điện nơi khách hàng đăng ký thuê bao. Trên cơ sở đơn khiếu nại đó chúng tôi sẽ xem xét xử lý.
* Vinaphone có cung cấp cho cơ quan công an các thông tin về chủ thuê bao không nếu như có hiện tượng khủng bố đe dọa khách hàng?
- Nếu có các bằng chứng thì chúng tôi sẽ cung cấp các tài liệu chúng tôi có cho cơ quan công an.
* Nhiều khách hàng phản ánh là đã có khiếu nại nhiều lần tới Vinaphone nhưng hiện tượng quấy rối, khủng bố bằng tin nhắn hoặc gọi điện thoại vẫn tiếp diễn. Vậy trách nhiệm của Vinaphone ở đâu?
- Chúng tôi phải căn cứ trên từng trường hợp mới có biện pháp xử lý và phải căn cứ vào những chứng cứ cụ thể: nếu như bằng tin nhắn và khách hàng có lưu lại thì đó là căn cứ để chúng tôi xử lý. Nếu chỉ có phản ánh mà không có bằng chứng thì rất khó vì xử lý phải có nhân chứng, vật chứng rõ ràng. Đối với các cú điện thoại khủng bố thì khách hàng cần ghi âm lại làm bằng chứng vì theo quy định của pháp luật Vinaphone không có quyền ghi âm các cuộc gọi của khách hàng vì đó là bí mật riêng tư.
* Khi có chứng cứ thì Vinaphone sẽ có biện pháp xử lý như thế nào?
- Nếu thuê bao khủng bố thuộc Vinaphone thì trước tiên bộ phận dịch vụ khách hàng sẽ yêu cầu thuê bao đó không được tiếp tục những hành động khủng bố, quấy rối đó nữa: đối với thuê bao trả sau có đăng ký, chúng tôi sẽ gửi thông báo bằng văn bản; đối với thuê bao trả trước không có địa chỉ đăng ký, chúng tôi sẽ gửi tin nhắn yêu cầu và gọi điện trực tiếp. Nếu như đã cảnh báo mà hiện tượng quấy rối, khủng bố qua tin nhắn vẫn còn tiếp diễn thì chúng tôi sẽ cắt dịch vụ của thuê bao đó. Trong trường hợp phức tạp hơn thì chúng tôi sẽ đề nghị cơ quan công an can thiệp.
* Thời gian xử lý các khiếu nại là bao lâu ?
- Chúng tôi sẽ căn cứ vào từng trường hợp cụ thể nhưng thông thường sẽ xử lý sự việc trong vòng 24 giờ kể từ lúc tiếp nhận khiếu nại.
Ông Cao Ngọc Phương (Đại diện Bộ phận chăm sóc khách hàng của MobiFone)
* Thưa ông, trong những vụ khủng bố quấy rối bằng tin nhắn từ thuê bao của MobiFone nhưng MobiFone không cắt dịch vụ đối với thuê bao quấy rối dù đã được phản ánh. Vậy trách nhiệm của MobiFone ở đâu?
- Khi khách hàng bị quấy rối hoặc khủng bố bằng cách nhắn tin, khách hàng phải thông báo với cơ quan công an chứ công ty chúng tôi không thể can thiệp vào đời sống cá nhân của khách hàng được. Công ty chúng tôi chỉ được quyền cắt việc sử dụng dịch vụ của khách hàng trong 3 trường hợp sau: thứ nhất, nộp chậm cước; thứ hai, khách hàng yêu cầu cắt dịch vụ; thứ ba, khách hàng có các hoạt động vi phạm đến an ninh quốc gia.
* Vậy là MobiFone không phải chịu trách nhiệm gì trong việc khách hàng bị quấy rối bằng tin nhắn ?
- Bộ phận chăm sóc khách hàng của chúng tôi sẽ có trách nhiệm nhắc nhở phía bên kia (chỉ thuê bao quấy rối, khủng bố - PV), việc còn lại thì khách hàng phải báo công an, cơ quan công an sẽ phải xử lý việc này. Họ sẽ xem xét sự việc và sẽ có yêu cầu chúng tôi cắt thuê bao đó hay không
----------------------------------
Ý kiến các luật sư
Luật sư Lê Hồng Nguyên (Trưởng văn phòng luật sư Hồng Nguyên, TP.HCM): "Bản thân tôi đã từng bị nhắn tin "khủng bố" là "bị bắt vì chạy án trong 1 vụ án ma túy" nên thấu hiểu phần nào nỗi khổ của những người cùng cảnh ngộ. Theo tôi, đó là hành vi bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự, uy tín hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Những hành vi trên đã vi phạm pháp luật hình sự mà cụ thể là tội "vu khống". Trước đây, khi bị "khủng bố" tôi cũng đã đề đạt nguyện vọng với các cơ quan công an, yêu cầu xem xét trách nhiệm của kẻ nhắn tin. Tuy nhiên vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ, cơ quan công an chỉ xử lý được nếu như tìm ra kẻ nhắn tin 'khủng bố", còn ngược lại thì xem như huề. Theo tôi được biết, trước đây sự kiện "lãnh đạo Ngân hàng Á Châu bỏ trốn" dẫn đến việc khách hàng rút tiền ồ ạt ở Ngân hàng Á Châu, đầu tiên là xuất phát từ những tin nhắn qua điện thoại di động như thế. Đã đến lúc chúng ta cần phải xử lý nghiêm loại tội phạm này vì những tin nhắn như thế có thể gây ảnh hưỏng rất lớn đến uy tín danh dự của cá nhân cũng như gây thiệt hại nặng nề đến hoạt động của một đơn vị bị "khủng bố", mà Ngân hàng Á Châu là một ví dụ.
Luật sư Lưu Văn Tám (Trưởng văn phòng luật sư Thái Hà): "Đối với hành vi đe dọa giết nguời, tôi cho rằng đã đủ yếu tố để cấu thành tội "đe dọa giết người" theo Điều 103, Bộ luật Hình sự 1999. Hiện nay, các hành vi này đều được pháp luật điều chỉnh nhưng hành vi "đe dọa, khủng bố qua điện thoại" thì chưa được quy định cụ thể".
Bình luận (0)