Kết luận thanh tra cho thấy tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp từng được xem là “đại gia” của ngành thủy sản TPHCM đang đứng trước cơn sóng dữ.
Lỗ 26,8 tỉ đồng
Cofidec có tiền thân là công ty liên doanh giữa Tổng Công ty Xuất nhập khẩu – Đầu tư TPHCM (Imexco) và UBND huyện Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ - TPHCM) thành lập năm 1987, đến năm 1995 là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn. Trong những năm đầu hoạt động, công ty luôn gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư và điều kiện môi trường nuôi tôm tại Cần Giờ, dẫn đến kinh doanh không hiệu quả, lỗ lũy kế đến 31-12-1998 hơn 20 tỉ đồng (số tròn). Đến năm 1999, công ty mới gượng dậy, phát triển được sản xuất, chế biến hàng thủy sản xuất khẩu, đưa sản lượng và kim ngạch xuất khẩu năm 2000 hơn 38,3 triệu USD, đến năm 2002, con số này là 59,6 triệu USD. Song, từ năm 2003, hoạt động kinh doanh của công ty bắt đầu giảm. Việc nuôi tôm tại Cần Giờ không còn hiệu quả, do đó công ty phải cho thuê đất. Đến năm 2004, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 36,8 triệu USD và kinh doanh lỗ 26,8 tỉ đồng. Do lỗ nặng nên vốn kinh doanh của công ty bị thâm hụt, cân đối đến ngày 31-12-2004 đã bị âm hơn 7,3 tỉ đồng. Thanh tra TP nhận định: Trong tổng nguồn vốn kinh doanh của công ty (19,4 tỉ đồng) phần lớn là vốn cố định (17 tỉ đồng), còn vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh thì sử dụng toàn vốn vay. “Do đó, nếu không có nguồn để bù đắp khoản lỗ 26,8 tỉ đồng và trả nợ vay ngân hàng thì tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty càng thêm khó khăn, nhất là trong giai đoạn chuẩn bị cổ phần hóa”...
Thua do thiếu chiến lược dự phòng
Lãnh đạo UBND TPHCM cho rằng nguyên nhân thua lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Cofidec là do công ty đã không có chiến lược dự phòng và phán đoán thiếu chính xác trước biến động của vụ kiện tôm tại thị trường Mỹ, nên đến cuối quý I/2005 hàng tôm đông lạnh tồn kho còn đến... 55,1 tấn, trị giá 12,5 tỉ đồng. Đây cũng là nguyên nhân tiềm ẩn phát sinh lỗ do hàng để lâu kém phẩm chất. Ngoài ra, trong sản xuất kinh doanh, công ty chưa làm hết chức năng, nhiệm vụ mà doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh: chỉ thu mua, chế biến hàng nông lâm thủy hải sản (chủ yếu là tôm), chứ chưa có kế hoạch lâu dài và toàn diện cho hoạt động của công ty, như tổ chức sản xuất, nuôi trồng thủy sản, phát triển các ngành kinh doanh khác. Do đó, khi việc xuất khẩu tôm ở thị trường Mỹ gặp khó khăn thì các hoạt động khác như hàng thực phẩm chế biến, rau quả chế biến và hải sản khác cũng không thể vực dậy nổi công ty. Do năm 2003 không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận và năm 2004 bị lỗ nặng nên Cofidec đã không hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách và không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đặc biệt, theo UBND TPHCM, việc công ty sử dụng số tiền bồi thường tài sản đầu tư trên đất tại huyện Cần Giờ (10,3 tỉ đồng) đưa vào thu nhập để tính kết quả sản xuất kinh doanh mà không dùng để thực hiện tái đầu tư tại khu vực khác; sử dụng số tiền bồi thường thiệt hại về đất (13 tỉ đồng) để khắc phục lỗ là trái với chỉ đạo của UBND TP. Ngoài ra, thanh tra còn phát hiện việc hạch toán kế toán của công ty có nhiều vấn đề, như: lập hóa đơn mua hàng thủy sản chưa kịp thời, chưa chấp hành đúng quy định về việc điều chỉnh số liệu kế toán...
Kiểm điểm, xử lý các cá nhân và tập thể liên quan Sau khi nghe Thanh tra TP báo cáo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu các đơn vị phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, tập thể có liên quan đối với những thiếu sót, sai phạm mà kết luận thanh tra đã nêu, trình UBND TPHCM quyết định. Đồng thời, giao Satra chỉ đạo Cofidec báo cáo cụ thể số liệu của đơn vị đến thời điểm cuối quý II/2005 về hiệu quả kinh doanh, trị giá hàng tồn kho, lỗ... và đưa ra hướng khắc phục. Đối với Cofidec, cần xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh lâu dài; khẩn trương xây dựng phương án tiêu thụ sản phẩm tồn kho và điều chỉnh sản xuất cho phù hợp; chấn chỉnh ngay công tác hạch toán kế toán... M.N |
Bình luận (0)