Biên bản do điều tra viên Lê Tiến Dũng lập. Trong đó có nhiều đoạn gọi phóng viên là “tên Dũng”. Ảnh: Tân Tiến
Liên quan đến vụ việc phóng viên Báo Người Lao Động bị các điều tra viên thuộc Công an tỉnh Vĩnh Long cản trở và thu giữ ĐTDĐ khi đang tác nghiệp tại Bệnh viện Chợ Rẫy -TPHCM vào chiều 11-5 (Báo Người Lao Động ngày 12-5 đã thông tin), ngày 12-5, Ban Biên tập Báo Người Lao Động đã cử phóng viên đến Công an phường 12, quận 5-TPHCM và Bệnh viện Chợ Rẫy để tìm hiểu tường tận vụ việc.
Vượt quá thẩm quyền
Trung tá Trần Văn Hùng, Phó trưởng Công an phường 12, quận 5, cho biết: “Ngày 11-5, công an phường nhận được tin báo có vụ việc gì đó xảy ra ở Bệnh viện Chợ Rẫy nên Ban Chỉ huy Công an phường cử đồng chí Nguyễn Văn Bình và Nguyễn Văn Nhanh tới bệnh viện nắm tình hình để xử lý.
Khi đến nơi, đồng chí Bình và đồng chí Nhanh được các anh CSĐT tỉnh Vĩnh Long đang canh giữ can phạm điều trị bệnh tại bệnh viện cho biết có một nhà báo chụp hình bệnh nhân nhưng các anh CSĐT tỉnh Vĩnh Long không muốn, nên đã lập biên bản giữ ĐTDĐ của anh phóng viên”.
Trung tá Trần Văn Hùng nói: “Khi biết việc CSĐT tỉnh Vĩnh Long lập biên bản là không đúng nguyên tắc, 2 cán bộ công an phường được cử đi đã không ký vào biên bản do các anh CSĐT tỉnh Vĩnh Long lập mà chỉ có nhân viên bảo vệ của Bệnh viện Chợ Rẫy ký xác nhận.
Sau đó, các anh CSĐT tỉnh Vĩnh Long tới yêu cầu Ban Chỉ huy Công an phường xác nhận vào biên bản để về Công an tỉnh Vĩnh Long báo cáo nhưng chúng tôi vẫn không xác nhận vì CSĐT tỉnh Vĩnh Long lập biên bản không đúng nguyên tắc. Riêng chiếc ĐTDĐ của phóng viên, các anh CSĐT tỉnh Vĩnh Long giữ, không bàn giao cho chúng tôi”.
Chiều cùng ngày, trao đổi qua điện thoại, một lãnh đạo Công an quận 5-TPHCM khẳng định việc một số CSĐT thuộc Công an tỉnh Vĩnh Long lập biên bản phóng viên tại địa bàn TPHCM là hoàn toàn sai nguyên tắc.
Đại tá Đặng Quang Minh, Trưởng Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Tiền Giang, cho rằng việc các điều tra viên Công an tỉnh Vĩnh Long lập biên bản giữ phương tiện của phóng viên Phạm Dũng là vượt quá thẩm quyền.
“Tại khu vực không có biển báo cấm chụp ảnh, quay phim thì có quyền chụp. Hơn nữa là phóng viên thì quyền tác nghiệp còn rộng hơn. Chỉ trừ trường hợp là hiện trường vụ án mà cơ quan công an đang khám nghiệm thì phóng viên muốn chụp ảnh phải xin phép cơ quan công an còn khi đã khám nghiệm xong hiện trường thì phóng viên có quyền tác nghiệp”- đại tá Minh nói.
Coi phóng viên như tội phạm
Khoảng 14 giờ ngày 11-5, phóng viên Phạm Dũng (tên đầy đủ là Phạm Văn Dũng) được Tòa soạn Báo Người Lao Động điều động đến Khoa Thận Bệnh viện Chợ Rẫy ghi nhận về các vấn đề liên quan đến bị can Huỳnh Văn Quyên đang điều trị tại đây. Phóng viên Phạm Dũng đứng ngoài hành lang dùng ĐTDĐ để ghi hình thì bị các công an canh giữ bị can giữ lại, dù phóng viên đã xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan. Sau đó, các điều tra viên của Công an tỉnh Vĩnh Long lập biên bản thu giữ ĐTDĐ của phóng viên.
Cả 2 biên bản đều do ông Lê Tiến Dũng, điều tra viên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Long, lập và ký tên với nội dung: “Dùng ĐTDĐ chụp ảnh bị can Huỳnh Văn Quyên”, biên bản này có sự chứng kiến của ông Huỳnh SoNi, cán bộ điều tra Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Văn Nhanh (Công an phường 12, quận 5 - TPHCM) và ông Huỳnh Công Lượng, bảo vệ Bệnh viện Chợ Rẫy.
Điều đáng nói là trong biên bản, điều tra viên Lê Tiến Dũng đã dùng lời lẽ thiếu văn hóa, như “…khi chúng tôi phát hiện yêu cầu tên Dũng xuất trình giấy giới thiệu – thẻ phóng viên – giấy CMND. Nhưng tên Dũng chỉ xuất trình được tờ giấy giới thiệu của Báo Người Lao Động”.
Cuối biên bản, ông Lê Tiến Dũng tiếp tục thể hiện: “Biên bản kết thúc vào lúc 16 giờ cùng ngày, có đọc lại cho tất cả cùng nghe và hẹn tên Dũng đúng 7 giờ 30 phút ngày 20-5-2011 đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Long giải quyết”.
Phóng viên Phạm Dũng cho biết chính cách xưng hô của cán bộ Công an tỉnh Vĩnh Long với mình như vậy nên không đồng ý ký vào biên bản. Sau đó điều tra viên Lê Tiến Dũng lập tiếp biên bản “đương sự không đồng ý ký vào biên bản”, trong đó cũng dùng cách xưng hô “tên Dũng không chịu ký vào biên bản”. Thậm chí các điều tra viên còn yêu cầu bảo vệ Huỳnh Công Lượng buộc phóng viên Phạm Dũng ra khỏi bệnh viện.
Xúc phạm danh dự phóng viên
Theo luật sư Cao Minh Triết, Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang, việc điều tra viên Công an tỉnh Vĩnh Long lập biên bản tạm giữ phương tiện và giấy giới thiệu của phóng viên là hoàn toàn sai về hình thức lẫn nội dung.
Luật sư Triết phân tích: “Chỉ việc lập biên bản mà không dùng đúng mẫu quy định của ngành công an là không đúng. Lập biên bản mà không có chữ ký của công an địa phương lại không đúng mặc dù có ghi tên của chiến sĩ công an phường.
Nếu xét trong trường hợp này thì người phản ứng phải là bị can vì nhân thân của họ bị xâm phạm hay không thôi. Trong khi đó, phóng viên tác nghiệp tại khu vực không có biển cấm chụp ảnh, quay phim, khu quân sự, công an… thì không có gì sai!”.
“Việc trong biên bản, điều tra viên gọi phóng viên là “tên Dũng” là quá lạm quyền và xúc phạm danh dự phóng viên. Phóng viên mà công an cứ nghĩ rằng đó là tội phạm nên cứ lặp đi lặp lại “tên Dũng” là điều không chấp nhận được” -luật sư Triết khẳng định. |
Bình luận (0)