Theo điều tra, tháng 10-2015, Công ty Heng Pich Chhay (Campuchia) ký hợp đồng mua 594 tấn phân bón các loại của Công ty Việt Hóa Nông (trụ sở tại quận 1, TPHCM), trị giá lô hàng là 228.030 USD. Hai bên thỏa thuận Công ty Heng Pich Chhay sẽ chuyển tiền vào tài khoản của Công ty Việt Hóa Nông.
Sau đó, Công ty Heng Pich Chhay nhận được email của Công ty Việt Hóa Nông đề nghị việc thanh toán được chuyển vào tài khoản của Công ty Lucky Star. Sau khi chuyển tiền, Công ty Heng Pich Chhay cử đại diện đến kho hàng của Công ty Việt Hóa Nông lấy hàng thì mới phát hiện bị lừa. Cụ thể, Công ty Việt Hóa Nông cho biết không yêu cầu Công ty Heng Pich Chhay chuyển tiền cho bên thứ 3 là Công ty Lucky Star.
Nguyễn Thị Nở tại phiên tòa ngày 11-7-2019 ở TAND TP HCM
Tương tự, tháng 7-2016 Công ty Impulse (Mỹ) ký hợp đồng mua của Công ty Vinako (tại KCN Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) 21.977 bộ quần áo. Theo thỏa thuận, việc thanh toán được Công ty IMPULSE chuyển vào tài khoản mở tại ngân hàng ở Hàn Quốc, người thụ hưởng là ông Jeong H.N.
Tuy nhiên, sau đó Giám đốc Công ty Impulse (Mỹ) nhận được thông báo từ hộp thư điện tử jh12_nam@yahoo.com của ông Jeong H.N. đề nghị thanh toán 33.620 USD vào tài khoản của Công ty Morning Star để thực hiện việc thanh toán hợp đồng. Chuyển xong tiền, nhân viên Công ty Impulse gọi điện thoại liên hệ với ông Jeong H.N. thì mới biết không có việc ông yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản trên.
Phát hiện đã chuyển tiền nhầm vào 2 tài khoản của Công ty Lucky Star và Công ty Morning Star do Nguyễn Thị Nở làm giám đốc, Công ty IMPULSE và Công ty Heng Pich Chhay đã yêu cầu được hoàn lại khoản tiền trên. Do Nở không đồng ý nên 2 công ty gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng, đề nghị xử lý theo pháp luật.
Quá trình điều tra cho thấy địa chỉ email của ông Jeong H.N. đã có đối tượng tác động; địa chỉ email của Công ty Việt Hóa Nông đã bị làm giả (bằng cách ghi sai một ký tự).
Sau khi 2 địa chỉ email trên bị hacker tấn công, các đối tượng đã sử dụng yêu cầu các doanh nghiệp chuyển tiền của đối tác vào các tài khoản do chúng chỉ định.
Tại cơ quan điều tra, Nở khai cùng chồng là Okonkwu Ikenna Christopher (quốc tịch Nigeria) hành nghề thu gom quần áo nhiều nơi ở TPHCM để xuất khẩu qua Châu Phi. Việc xuất khẩu hàng cho đối tác nước ngoài đều không có hợp đồng và do chồng Nở thực hiện.
Giải thích về khoản tiền của 2 công ty ở Mỹ và Campuchia chuyển vào tài khoản công ty do Nở làm giám đốc, Nở cho biết đó là tiền Okonkwu Ikenna Christopher bảo của khách hàng nước ngoài thanh toán tiền mua hàng nên Nở không trả lại. Trong khi đó, 2 doanh nghiệp ở Mỹ và Campuchia đều cho rằng không hề giao dịch với Nở và cũng không liên quan gì đến thị trường xuất khẩu của Nở.
Tháng 7-2019, TAND TPHCM xét xử sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Thị Nở mức án 4 năm tù về tội “Chiếm giữ trái phép tài sản”. Sau đó, Nở kháng cáo vì cho rằng chưa làm rõ ai là người có hành vi khiến cho các công ty chuyển nhầm tiền dẫn đến oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Tháng 2-2020, TAND Cấp cao tại TPHCM quyết định hủy án sơ thẩm để điều tra, làm rõ đối tượng Okonkwu Ikenna Chistopher có liên quan đến tội phạm hay không, nhằm tránh bỏ lọt tội phạm; đồng thời làm rõ việc Nở thành lập 2 công ty nhằm kinh doanh hay mục đích khác.
Trong quá trình vụ án đang được điều tra, từ tháng 12-2019 đến nay, Nguyễn Thị Nở bỏ đi khỏi nơi cư trú, hiện ở đâu không rõ. Cơ quan Cánh sát Điều tra - Công an TPHCM đề nghị Nguyễn Thị Nở đến trình diện để làm rõ những nội dung liên quan đến vụ án.
Chính quyền, địa phương hoặc đơn vị nào biết thông tin về Nở đề nghị báo về địa chỉ: Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TPHCM, địa chỉ 674 đường Ba Tháng Hai, phường 14 quận 10, gặp điều tra viên Phạm Duy Khánh (Đội 9), số điện thoại 0939786888.
Bình luận (0)