Như Báo Người Lao Động đã thông tin, Cơ quan An ninh Điều tra (ANĐT) Bộ Công an vừa đề nghị truy tố 54 bị can liên quan đến vụ án "chuyến bay giải cứu". Trong đó, 54 bị can bị đề nghị truy tố ở 5 nhóm tội danh thì có 21 người là cựu quan chức các bộ, ngành, tỉnh, thành phố bị đề nghị truy tố tội "nhận hối lộ".
Hàng trăm ngàn công dân đã về nước trên các "chuyến bay giải cứu"
Theo kết luận điều tra, khi dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới, Văn phòng Chính phủ cùng các bộ: Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Y tế và Giao thông Vận tải có nhiệm vụ tổ chức "chuyến bay giải cứu"; các tỉnh, thành tổ chức cách ly công dân khi về nước. Từ đầu 2020 đến khoảng giữa năm 2021, các tổ chức nêu trên đã cấp phép và tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước.
Theo Bộ Công an việc tổ chức chuyến bay giải cứu là thực hiện chủ trương nhân đạo, thể hiện sự quan tâm hàng đầu của Đảng và Chính phủ trong công tác bảo hộ công dân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số cá nhân có thẩm quyền ở các bộ, ngành đã gây khó khăn, nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp tổ chức chuyến bay, tạo cơ chế xin - cho. Từ đó, buộc doanh nghiệp phải nâng giá vé máy bay và các chi phí phát sinh khác để phục vụ việc "bôi trơn", đưa hối lộ.
Sau khi kết luận điều tra, nhiều bạn đọc thắc mắc hàng ngàn công dân đã phải bỏ phải trả các chi phí cao so với chi phí thông thường như: tiền ra mua vé máy, phí lưu trú, ăn uống trong thời gian cách ly… Vậy nếu trường hợp xác định người dân đi trên các chuyến bay là người bị hại thì họ có đòi được tiền đã đưa cho các bị can hay không?
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng theo nội dung kết luận điều tra, không thể hiện số tiền người dân bị "thiệt hại" khi về nước trên những chuyến bay song cáo buộc 21 quan chức nhận hối lộ gần 180 tỉ đồng trong quá trình hoàn thiện hồ sơ. Như vậy, người dân trên các chuyến bay này không được xác nhận là bị hại trong vụ việc.
Cơ quan tố tụng cũng kết luận công dân về nước không có hành vi đưa hối lộ, nếu các người dân phải chi số tiền lớn hơn số tiền mà nhà nước quy định thì có thể yêu cầu các doanh nghiệp dịch vụ trả lại tiền. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa công dân với các đơn vị dịch vụ bán vé máy bay, dịch vụ đưa công dân về nước là quan hệ dân sự, kinh tế, được điều chỉnh bởi Bộ luật dân sự và các quy định về kinh doanh, thương mại.
"Về góc độ pháp lý, giá vé máy bay, giá dịch vụ lưu trú sẽ biến động theo giá thị trường, Nhà nước không quy định giá cả cụ thể đối với các dịch vụ này nên rất khó để xác định trách nhiệm hoàn trả tiền của các doanh nghiệp đã thu tiền dịch vụ của công dân về nước" - luật sư Cường phân tích.
Do đó, Cơ quan ANĐT Bộ Công an không xác định các công dân về nước là người bị hại hay người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án này. Khi đưa vụ án này ra xét xử, tòa án sẽ cân nhắc đến vai trò tố tụng của những người có liên quan trong việc nộp tiền để được về nước hoặc với vai trò là người làm chứng.
Theo luật sư Cường trong trường hợp xác định công dân "được giải cứu" là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thì việc giải quyết vụ án phải liên quan đến quyền lợi hoặc nghĩa vụ của họ. Còn nếu là người làm chứng thì họ phải là người chứng kiến, biết được hành vi vi phạm pháp luật của bị can, bị cáo nào đó hoặc biết những tình tiết có ý nghĩa quan trọng của vụ án thì tòa án mới triệu tập để tham gia tố tụng. Vấn đề này toà án sẽ kiểm tra, xem xét và quyết định trong thời gian tới đây khi hồ sơ được chuyển sang cơ quan này để xét xử.
Bình luận (0)