xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Công trình công cộng khu dân cư mới: Đầu voi đuôi chuột

Theo SGGP

Từ khi thực hiện chủ trương xã hội hóa xây dựng hạ tầng các khu đô thị mới đến nay, TPHCM có cả ngàn dự án đã và đang triển khai. Nhưng nếu điểm lại các dự án đã hoàn thành sẽ thấy một thực tế hết sức phi lý: các công trình công cộng tại đây thật hiếm hoi. Điều này tạo ra một bức tranh méo mó về bộ mặt đô thị!

Tranh chấp đất... sân chơi

Sáng chủ nhật 7-11, tại khu chung cư Bộ Công an thuộc tổ dân phố 51, 54, 55, khu phố 4 phường Bình An, quận 2 chộn rộn khác thường. Hôm nay là ngày cả cư xá tham gia xây dựng sân chơi. Mảnh đất xây sân chơi có diện tích khoảng 150m2 nằm lọt thỏm giữa 5 lốc chung cư, lâu nay cỏ cây mọc đầy, biến thành bãi rác lộ thiên dơ bẩn.

Bà Nguyễn Thị Vị, tổ trưởng tổ dân phố 55, cho biết công trình này là tâm huyết chung của bà con. Về ở đây đã lâu, dân cư đông đúc nhưng cả khu không có sân chơi cho các cháu. Để tập hợp các cháu vui chơi, tổ dân phố phải ngăn đường, tổ chức sinh hoạt giữa lộ… Thế nhưng sân chơi đã không thể hình thành. Lý do: đất đã được cấp cho một cá nhân. Chính quyền phường Bình An lập biên bản tạm ngưng xây dựng để chờ phân định.

Năm 1997, chung cư Bộ Công an gồm có 5 khu A, B, C, D, E với 100 căn hộ chính thức khởi công xây dựng sau khi được các cơ quan chức năng thống nhất phê duyệt quy hoạch. Năm 2001, khu chung cư đưa vào sử dụng, bố trí định cư. Ngoài 100 hộ trong chung cư còn có 50 hộ khác là cán bộ ở những khu nhà phố xung quanh hợp thành 3 tổ dân phố 51, 54, 55.

Nhận thấy mảnh đất trống này, một bên giáp đường dây điện, một bên giáp với bể nước sinh hoạt nằm sát bờ tường chung cư lô E, bà con đã làm văn bản gửi cho các cơ quan chức năng xin cải tạo khu đất thành sân chơi. Không thấy có ý kiến có phản hồi, tháng 8-2004, ba tổ dân phố huy động tiền đóng góp của các hộ gia đình: mỗi hộ đóng 100 ngàn đồng và… cứ làm. Tinh thần, theo bà Vị phổ biến giữa cuộc họp là chấp nhận “năm ăn năm thua”: có thể mất trắng nếu sai quy hoạch, hoặc sẽ được sử dụng nếu phù hợp với quy hoạch.

Hiện nay một sân chơi con con, sạch sẽ đã hoàn thành: nền tráng xi măng cao khoảng 0,3m có trồng bồn hoa cây cảnh, là nơi nô đùa cho trẻ con mỗi khi hoàng hôn buông xuống… Tuy nhiên, việc tranh chấp chưa đến hồi kết nên không biết sân chơi sẽ tồn tại được bao lâu?

Trường mẫu giáo thành nhà xe, cửa hàng

img
Những khu dân cư mới ở đường Trần Não, quận 2, thiếu các công trình công cộng...

Cách nay khoảng 2 tháng, báo SGGP thông tin chung cư An Phú thuộc dự án xây dựng tái định cư Thủ Thiêm do Công ty Dịch vụ công ích Thanh niên Xung phong thi công, sau khi đưa vào sử dụng hơn một năm đã bị nứt tường, nghẹt cống, mái dột… Sau đó, đơn vị thi công tổ chức sửa chữa lại. Tuy nhiên, người dân ở đây lại có những bức xúc khác: chung cư không có sân chơi, không có trường mẫu giáo, hết sức khó khăn trong sinh hoạt cộng đồng.

Theo tài liệu chúng tôi có được, khu tái định cư 1ha Thủ Thiêm phường An Phú “cắt ra” làm thí điểm từ dự án khu tái định cư Thủ Thiêm có tổng diện tích 42ha, thể hiện trong bản đồ quy hoạch có hình báng súng. Dự án “lẻ” này gồm có các hạng mục như sau: 4 khu chung cư với 188 căn hộ, khu đất xây dựng nhà trẻ mẫu giáo và phần đất cho khu thể thao cây xanh.

Theo quy hoạch, đất dành cho xây dựng nhà trẻ là 658,8m2, nhưng trong tờ trình gửi UBND quận 2 vào tháng 10-2003 của Công ty Quản lý-Phát triển nhà quận 2 (CTN 2) thì diện tích xây dựng chỉ còn 197,4m2, quá nhỏ so với yêu cầu xây dựng trường mẫu giáo nhà trẻ mới theo chuẩn thiết kế. Do đó CTN 2 đã “xin” chủ trương thay đổi chức năng khu công trình công cộng từ trường mẫu giáo nhà trẻ thành nhà xe cửa hàng thương nghiệp. Việc thay đổi công năng sử dụng đất theo tờ trình của CTN 2 chưa được phê duyệt, mảnh đất này sẽ làm gì thì không ai biết, nhưng hiện tại người dân đã kiến nghị xin làm nhà tang lễ và nhà giữ xe!

Doanh nghiệp lời, nhà nước tốn ngân sách

img
Xây dựng hạ tầng khu dân cư Bình Trị Đông quận Bình Tân.

Trên đây chỉ là hai câu chuyện minh chứng cho sự bất cập trong phát triển đô thị của quận 2: Giá đất cao chọc trời, nhưng bộ mặt nửa phố nửa quê, nếu trừ đi vài chục căn biệt thự nằm ven sông Sài Gòn thì không khác gì quận 9! Từ đường Trần Não quẹo qua Lương Định Của, một trung tâm mới của quận, cũng chỉ có vài ba quán nhậu và còn lại là văn phòng- công ty môi giới nhà đất ăn theo những dự án xây dựng hạ tầng nhà ở đã hoàn thành từ lâu nhưng bóng dáng nhà ở lại rất ít. Có lẽ vì vậy mà một công viên bề thế, một trung tâm thương mại đàng hoàng chưa vội vã mọc lên? Tuy nhiên, đối nghịch lại là có hai sân quần vợt dành cho các đại gia, một tại khu nhà ở cao cấp Bình An, sân quần vợt thứ hai trên đường Lương Định Của.

Thật ra, đó là sản phẩm từ câu chuyện “đón gió” quy hoạch của thập niên trước đây, nhưng cũng là lỗ hổng của chính sách: Trong bản đồ quy hoạch khu dân cư có đầy đủ các hạng mục phục vụ sinh hoạt cho cuộc sống nhưng trong quyết định giao đất không yêu cầu chủ đầu tư thực hiện. Từ đây đã nảy sinh bất cập: Đơn vị kinh doanh thu lời, sau đó chính quyền phải dùng ngân sách để hoàn thành nốt phần còn lại.

Trên thực tế, muốn có ngân sách để đầu tư vào những hạng mục này hết sức khó khăn, đơn cử như chuyện xảy ra từ dự án nhà ở Bình Trưng Đông, quận 2. Chung cư Bình Trưng Đông là một trong những hạng mục của dự án này do Công ty Phát triển và Kinh doanh nhà TP làm chủ đầu tư, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 1996. Chung cư gồm 8 khu, 488 căn hộ, tổng vốn đầu tư 49 tỷ đồng.

Năm 2000 chung cư xây dựng hoàn tất nhưng đến đầu năm 2003 mới bố trí tái định cư và đến nay vẫn còn thiếu hai hạng mục, là công viên và nhà trẻ. Khi phát hiện ra điều này, tháng 8-2003, UBNDTP yêu cầu chủ đầu tư góp 53% kinh phí thực hiện, số tiền còn lại do ngân sách TP cấp. Mãi đến gần một năm sau, UBND quận 2 phát công văn gửi chủ đầu tư, yêu cầu đóng góp số tiền nói trên.

Tiếp theo đó, tháng 9-2004, UBND quận 2 kiến nghị UBND TP tiếp tục bổ sung 47% vốn tương đương 3,9 tỷ đồng nhằm đầu tư hoàn thành công trình này. Hiện nay, công trình trên do CTN 2 làm chủ đầu tư, việc hoàn thành nhanh lắm cũng phải sang quý I/2005, tức là sau ba năm tính từ khi đưa dân vào ở!

Với cách làm như trên TP đã và đang phải trả giá: Doanh nghiệp ôm lời, cơ sở hạ tầng không kết nối, thiếu thốn các công trình phúc lợi, người dân phải “gồng mình” chịu thiệt thòi khi sinh sống trong khu đô thị mới… nửa vời!

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo