Minh họa: NGUYỄN TÀI
Con rể kiện mẹ vợ
Theo đơn khởi kiện của người con rể, năm 1986, vợ chồng anh sống chung gia đình vợ. Sau đó, do chỗ ở chật hẹp, mẹ vợ đồng ý cho vợ chồng anh xây thêm một phần nhà, tổng chi phí là 55 triệu đồng. Năm 2007, mẹ vợ anh bán nhà cho người khác nhưng không thanh toán cho vợ chồng anh chi phí xây dựng.
Ngoài ra, năm 1997, em vợ có chuyển nhượng cho vợ chồng anh 15 m2 diện tích đất thuộc khuôn viên căn nhà, tuy nhiên, diện tích đất thực tế vợ chồng anh nhận chỉ có 11,9 m2. Năm 2007, phần đất đã được bán cùng căn nhà. Vì vậy, anh yêu cầu mẹ vợ phải hoàn trả cho vợ chồng anh giá trị 15 m2 đất theo kết quả định giá.
Trong khi đó, mẹ vợ anh trình bày năm 1993, bà đồng ý cho vợ chồng con gái sửa chữa, cơi nới thêm phần nhà tạm trên khuôn viên đất của bà. Năm 2007, vợ chồng con gái bà dọn đi nơi khác, bà bán nhà. Bà đồng ý hoàn trả cho con rể chi phí xây dựng nhà và thanh toán giá trị 11,9 m2 đất (không phải 15 m2) cho con rể. Ngoài ra, năm 2011, khi vợ chồng con gái còn sống chung, hứa hẹn nuôi dưỡng mẹ nên sau khi chuyển nhượng một phần đất khác được số tiền 276 triệu đồng, bà đã giao con rể, nay bà yêu cầu hoàn trả lại. Yêu cầu này bị anh phản bác, cho rằng chỉ được mẹ vợ giao 50 triệu đồng.
Quyết giành phần thắng
Tại phiên tòa phúc thẩm, anh lớn tiếng: “Trước đây, tôi dọn ra khỏi nhà là vì 2 đứa con trai của bả, một đứa thì nghiện xì ke, ma túy; một đứa suốt ngày say xỉn. Tụi nó vào tù ra tội như cơm bữa. Ở với những người đó, con chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, tôi mới đưa vợ con đi nơi khác. Rồi bả bán đất, bán nhà cho con bả hút xì ke, ma túy…”. Nghe con rể nói, mặt bà co dúm lại, đôi mắt nhắm nghiền, đau đớn. Mấy lần bà mấp máy môi định nói nhưng không cất thành lời. Vậy mà, người con rể vẫn không ngừng chà xát vào vết thương của bà bằng những lời lẽ khó nghe về 2 người em vợ.
Bức xúc, vị chủ tọa nghiêm giọng: “Đó là việc làm của 2 người em vợ, mẹ vợ anh có tội tình gì mà anh nhiếc mắng bà? Mẹ vợ anh một thân một mình nuôi 3 con lớn khôn, bà cũng đâu muốn con trai mình là người như vậy. Lẽ ra, anh phải thương bà hơn mới đúng. Dù có chuyện gì cũng nên nghĩ đến đạo hiếu của người làm con…”.
Đắn đo, vị chủ tọa hỏi bà: “Bà cho nhiều rồi, bà cho thêm vợ chồng con gái một ít nữa được không? Mẹ cho con cũng là điều bình thường…”. Bà thút thít giãi bày: “Hai đứa con tôi quậy quá, tôi đã bán nhà, đất hết rồi. Giờ tôi đi ở trọ, lại còn nuôi thêm đứa con bị tâm thần vì uống rượu quá nhiều. Tiền đâu tôi trả…”.
Quay sang anh, chủ tọa nhẹ nhàng: “Anh nghĩ bà có khả năng trả số tiền như anh yêu cầu không?”. Anh dứt khoát: “Phải trả chứ, tiền mồ hôi nước mắt của tôi mà…”. Vị chủ tọa tiếp tục khuyên giải: “Bà cũng lớn tuổi rồi. Đồng ý là tiền mồ hôi nước mắt nhưng mẹ vợ anh bất hạnh vì có quá nhiều người con đeo bám. Anh có thể hy sinh vì mẹ vợ được không? Nếu điều kiện bà tốt hơn, anh đòi cũng được. Còn đằng này, hơn ai hết, anh hiểu rõ cuộc sống của bà. Anh có thể suy nghĩ lại để giải quyết mọi chuyện có tình có lý được không…?”.
Anh kiên quyết: “Tôi cũng thương mẹ vợ tôi lắm nhưng bả cứ đem tiền cho 2 đứa con, đứa nghiện, đứa tù. Cái nhà này là tiền mồ hôi nước mắt của tôi...”. Vị chủ tọa tiếp tục: “Còn lại chút gì, anh cũng ráng lấy hết. Bớt lại chút ít được không?”. Anh trả lời: “Tôi không chịu được. Thành quả lao động của tôi, phải trả cho tôi…”.
Không khí phiên tòa ngột ngạt, nặng nề trước những câu trả lời lạnh lùng của người con rể và tiếng thút thít chua xót của người mẹ vợ.
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện TAND quận Thủ Đức - TPHCM xử sơ thẩm đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện, buộc mẹ vợ có trách nhiệm hoàn trả giá trị xây dựng nhà, thanh toán giá trị quyền sử dụng đất (15 m2) và chi phí xây dựng trên công trình cho vợ chồng anh (tổng cộng 140 triệu đồng). HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của mẹ vợ, buộc anh phải thanh toán cho mẹ vợ số tiền 180 triệu đồng (sau khi trừ đi phần giá trị quyền sử dụng đất vợ chồng anh được hưởng). Anh làm đơn kháng cáo. |
Bình luận (0)