Ông cụ có mái đầu bạc trắng đến TAND TP HCM dự phúc thẩm vụ kiện dân sự đòi lại tài sản và yêu cầu xin lỗi công khai giữa ông với cô con gái - người lấy trộm 2 bài vị của ông bà nội đang được gửi thờ tại chùa.
Lý lẽ của cha
Ngồi xe lăn, nguyên đơn (75 tuổi) khóc nấc lên từng hồi. Nhiều lần, chủ tọa phiên tòa lên tiếng nhắc nhở: "Ông phải bình tĩnh thì phiên xét xử mới tiếp tục được".
Cũng như 2 phiên tòa trước, ở lần xử phúc thẩm thứ 3, cô con gái - bị đơn - tiếp tục xin vắng mặt. Trước đó, bị đơn cho biết đã thủy táng 2 bài vị ông bà nội tại sông Đồng Nai. Trong khi đó, nguyên đơn cho rằng cô con gái vẫn đang chiếm giữ vì mục đích riêng nhưng ông không chứng minh được những di vật này còn tồn tại. Căn cứ lời khai của bị đơn, HĐXX nhận định vật tranh chấp là 2 bài vị nay đã không còn nữa, bị đơn cũng không phải bồi thường do không có yêu cầu từ phía nguyên đơn.
Tuy nhiên, vụ kiện chưa dừng lại ở đó. Nguyên đơn trình lên HĐXX xấp ảnh chụp những bài viết từ một tài khoản Facebook được cho là của cô con gái. "Là cha, tôi đã làm hết trách nhiệm với con. Tôi cho A. (bị đơn - PV) ăn học, khi A. mất việc, tôi bảo lãnh vào làm tại một công ty điện lực, rồi dựng vợ gả chồng. Vậy mà cô A. chửi bới, xúc phạm vợ chồng tôi rồi đăng lên mạng. Còn hăm dọa sẽ dùng bài vị ông bà nội để đập chết vợ tôi. Tôi mong tòa làm chủ, buộc đứa con gái bất hiếu phải công khai xin lỗi. Cam đoan không được đến nhà tôi, không được đến Quan Âm Tu viện (nơi để tro cốt cha mẹ ông - PV) vì trách nhiệm thờ cúng cha mẹ thuộc về tôi chứ không đến lượt cháu gái như cô A." - người cha nói.
Kết thúc phiên xét xử phúc thẩm, HĐXX quyết định sửa lại một phần bản án sơ thẩm, chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của người cha, buộc cô con gái phải xin lỗi và cam kết không tiếp tục xúc phạm cha cùng gia đình.
Minh họa: KHỀU
Nỗi niềm của con
Tâm sự với chúng tôi, ông cụ cho biết ông có 6 người con với 2 vợ trước, tất cả đã trưởng thành, có gia đình riêng. Người phụ nữ có mặt tại tòa hôm ấy là vợ thứ ba, không có con chung, các con ông không hòa thuận với người mẹ kế này.
Trong khi đó, khi chúng tôi liên lạc với bị đơn, bà A. cho biết sau khi vụ kiện được báo chí đưa tin, bà bị nhiều người miệt thị là kẻ bất hiếu, vô lương tâm. May mắn là những người biết chuyện có phần thông cảm cho bà.
Theo bà A., khi ông bà nội mất để lại đất và một căn nhà, không có di chúc. Ít lâu sau, cha bà A. cưới vợ kế (đời vợ thứ ba) rồi ông bất ngờ bán nhà, không cho 2 người con gái ở nữa (trong đó, một người từ nhỏ đã bị bệnh triền miên, không có việc làm ổn định). Sau đó, ông mua một biệt thự tại quận 9 sống cùng người vợ này.
Phân trần cho lối hành xử của mình, bà A. bật khóc gọi đó là những uất ức nằm ngoài sự kiểm soát của lý trí. Bà A. kể sau khi bán nhà, cha bà đem tro cốt và bài vị của ông bà nội gửi ở một ngôi chùa tại Đồng Nai. Trong một lần bà A. cùng em trai tìm đến thắp hương, nhìn bài vị và hũ tro cốt bám đầy bụi nằm quạnh quẽ một góc nơi gian thờ, họ đã nén nước mắt, xin "thỉnh" ông bà về một ngôi chùa khác tại quận 2 để tiện thờ phụng, nhang khói.
Hay tin, cha bà A. đã lấy lại hũ tro cốt mang về Đồng Nai. Còn bà A. quyết định đem 2 bài vị đi thủy táng vì "không có tro cốt, để lại bài vị cũng không còn ý nghĩa gì".
Bà A. cũng thú thật đã nhiều lần dùng Facebook cá nhân đăng bài hăm dọa, chửi bới người mẹ kế vì cho rằng bà đứng sau tất cả những mâu thuẫn của gia đình. Tuy nhiên, bà A. khẳng định: "Tôi sẽ kiện ba tôi, con cháu chúng tôi sẽ không để cho người đàn bà này chiếm đoạt nhà thờ của ông bà, dòng họ chúng tôi".
Vậy là trong thời gian không xa, có thể cha con họ lại tiếp tục ra tòa. Đúng - sai, thắng - thua sẽ được tòa án phán xét nhưng cứ nghĩ mỗi lần mở phiên tòa, những người quá cố lại liên tục được con, cháu nhắc tới để minh chứng cho lòng hiếu thảo, rồi họ sẽ vui với ai hay buồn cùng ai khi bên nào cũng là máu mủ ruột rà?
Bình luận (0)