Chiều 14-1, TAND TP Hòa Bình tiếp tục phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Hoàng Công Lương, nguyên bác sĩ Đơn nguyên thận Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BVĐK Hòa Bình), cùng 6 bị cáo khác trong sự cố y khoa khiến 9 bệnh nhân tử vong.
Bị cáo Trương Quý Dương (cựu giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình) đến tòa ngày 14-1
Là người đầu tiên bị Hội đồng xét xử (HĐXX) thẩm vấn, bị cáo Trương Quý Dương, cựu giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình, cho biết do ngày 28-5-2017 không phải ngày trực nên không nắm được hệ thống lọc nước RO số 2 của máy chạy thận của BVĐK tỉnh Hòa Bình đã được tiến hành sửa chữa. Vào thời điểm xảy ra sự cố, bị cáo được bị cáo Hoàng Đình Khiếu (phó giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình) báo cáo vào khoảng 9 giờ ngày 29-5-2017.
"Lúc đó, bị cáo Khiếu thông báo cho bị cáo là tại Đơn nguyên lọc máu của Khoa Hồi sức tích cực có hiện tượng bệnh nhân đang chạy thận bị dị ứng. Tuy nhiên, việc chỉ xảy ra dị ứng hoàn toàn phó giám đốc BV có thể xử lý được, bị cáo đã giao cho bị cáo Khiếu tự giải quyết, nếu có diễn biến xấu thì báo cáo tiếp. Tiếp đến 9 giờ 30 phút cùng ngày bị cáo mới được báo cáo có 1 người tử vong do sốc phản vệ" - bị cáo Dương khai.
Bị cáo Trương Quý Dương (bìa trái) tại tòa
Bị cáo Dương cho rằng Bệnh viện Hòa Bình có gần 40 khoa - phòng và khoảng 700 cán bộ. Thông thường khi khoa - phòng nào xảy ra sự cố thì đơn vị đó tự liên hệ với các đầu mối để có thông tin từ các giáo sư đầu ngành tư vấn rồi xử trí. Mặc dù bị cáo là giám đốc nhưng bị cáo chỉ chuyên khoa ngoại, bệnh viện cùng lúc rất nhiều việc, công việc tại bệnh viện do các phó giám đốc, trưởng khoa đảm nhiệm. "Quy chế bệnh viện của Bộ Y tế thì phó giám đốc được thay mặt giám đốc chịu trách nhiệm trong lĩnh vực mình phụ trách, từng cán bộ ở từng lĩnh vực phải chịu trách nhiệm lĩnh vực mình phụ trách, chứ không cần thiết phải có quy định "tôi cho anh gọi mới được gọi" - bị cáo Dương nói thêm.
Bị cáo Dương cho biết khoảng 11 giờ 30 phút ngày 29-5, bị cáo Dương xuống Đơn nguyên lọc máu bàn bạc, trao đổi với các bác sĩ và xin tư vấn của bệnh viện tuyến Trung ương. Lúc đó, bị cáo được nghe là Bệnh viện Bạch Mai tư vấn, đối với bệnh nhân nguy kịch thì huy động mọi điều kiện có thể để cứu người. Còn đối với bệnh nhân khá hơn thì khẩn trương liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để chạy thận, nhằm thải độc ra và "chúng tôi đã cứu được 10 bệnh nhân".
Về trách nhiệm người đứng đầu khi xảy ra sự cố, cựu giám đốc BVĐK Hòa Bình phân trần: "Sự cố khiến bị cáo đau trên nhiều phương diện, bị cáo cảm nhận được nỗi đau của những gia đình có người tử vong, nỗi đau của của đồng nghiệp và của ngành y tế. BVĐK Hòa Bình có 14.000 kỹ thuật chuyên môn, trong đó kỹ thuật lọc máu là bệnh viện rất tâm huyết. Kỹ thuật lọc máu được bệnh viện phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng lại xảy ra sự cố như vậy. Bị cáo không chối bỏ trách nhiệm, ngay tối 29-5-2017, bị cáo đã xin chịu trách nhiệm. Nguyên nhân dẫn đến sự cố đó thì có nhiều góc độ tác động đến. Thời điểm xảy ra sự cố, bị cáo đã cố gắng làm tất cả những gì làm có thể".
Bị cáo Trương Quý Dương trên bục khai báo - Ảnh chụp màn hình
Về quy định pháp lý khi được thành lập đơn nguyên lọc máu, bị cáo Dương cho biết căn cứ quy định của Bộ Y tế cho phép thành lập ở nhiều bệnh viện tuyến tỉnh. Sau đó, BVĐK tỉnh Hòa Bình đã có công văn Sở Y tế tỉnh Hòa Bình phê duyệt việc này và đã được đồng ý.
Theo bị cáo Dương, tại thời điểm thành lập Đơn nguyên lọc máu, BVĐK tỉnh Hòa Bình có đủ các điều kiện về máy móc và con người. Cụ thể, bệnh viện này đã cử bác sĩ đi học kỹ thuật lọc máu ở bệnh viện tuyến Trung ương, ngoài ra, các điều dưỡng viên cũng được học về vấn đề lọc máu. Đồng thời, giai đoạn này nhằm đáp ứng nhu cầu chạy thận của các bệnh nhân trên địa bàn nên việc thành lập Đơn nguyên lọc máu là cần thiết.
Bình luận (0)