Chiều nay 13-7, đại diện Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) TP Hà Nội, luật sư đã tham gia xét hỏi bị cáo trong phiên tòa xét xử Tô Anh Dũng, cựu thứ trưởng Bộ Ngoại, và 53 đồng phạm trong vụ án "Chuyến bay giải cứu".
Bị cáo Phạm Trung Kiên tại phiên toà. Ảnh chụp qua màn hình
Khai báo tại phiên toà, bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế, vẫn thừa nhận nhận hối lộ tổng số tiền 42,6 tỉ đồng từ các doanh nghiệp như quy kết trong cáo trạng. Sau đó, bị cáo trả lại cho phía doanh nghiệp 12 tỉ đồng.
Theo cựu thư ký thứ trưởng bộ Y tế, số tiền còn lại bị cáo sử dụng 20 tỉ đồng để mua đất ở nhiều nơi như Mũi Né (Bình Thuận), 2 huyện huyện Ba Vì và Hoài Đức (Hà Nội) và cho vay 11 tỉ đồng. Đến năm 2022, bị cáo Kiên đã bán đất ở huyện Ba Vì, Hoài Đức để lấy tiền khắc phục hậu quả vụ án.
Với số tiền 11 tỉ đồng cho vay, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ nhớ người vay tên Đ. là chú rể bên vợ. "Bị cáo không biết họ, không biết họ đầy đủ, địa chỉ cụ thể, vì là chú cháu trong gia đình nên bị cáo tin tưởng. Đối với khoản vay này, bị cáo có giấy xác nhận và chuyển khoản" - bị cáo Kiên khai.
Trả lời đại diện VKSND, bị cáo Phạm Trung Kiên nói số tiền nhận được từ doanh nghiệp, bị cáo không nói cho ai biết, nhận xong chỉ đem về nhà. Tài khoản gửi cho các doanh nghiệp để họ chuyển tiền vào là của mẹ vợ, "bị cáo không rút tiền mặt".
Tại phiên tòa ngày hôm qua 12-7, bị cáo Phạm Trung Kiên thừa nhận nhận hối lộ từ các đại diện doanh nghiệp, gồm hơn 27 tỉ đồng của các chuyến bay combo và 15 tỉ của các chuyến bay lẻ. Tuy nhiên, Kiên bác bỏ những lời khai của các bị cáo khác trước đó cho rằng họ bị Kiên đe dọa, quát tháo, ép đưa tiền nếu không sẽ không được cấp phép các chuyến bay giải cứu. "Bị cáo không yêu cầu phải đưa tiền. Việc đưa, mức chi, hình thức chi là doanh nghiệp chủ động đề xuất" - bị cáo Kiên khai.
Số tiền nhận hối lộ, Phạm Trung Kiên khai mang cho một người chú ở Thái Bình vay, số tiền còn lại đi đầu tư đất đai ở Ba Vì, Mũi Né. Bị cáo Kiên cũng khẳng định khi nhận tiền hối lộ không đưa cho ai. "Cam đoan việc này đúng sự thật, không bị ai tác động phải khai như vậy" - bị cáo Kiên khai.
Đối chất về lời khai này, bị cáo Đào Minh Dương, giám đốc Công ty Vijasun, khai: "Kiên quát, nói các anh làm ăn phải nộp mấy triệu/khách". Mọi người sau đó phản ứng, bảo nộp đến chục tỉ đồng một chuyến bay thì "không ai chịu được". "Kiên dịu giọng, nói tôi biết các anh nộp cho anh Tuấn A08 (bị cáo Vũ Anh Tuấn, cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an - PV) là 150 triệu/chuyến thì cũng nộp cho tôi như vậy" - Dương khai.
Một bị cáo khác khai: "Bị cáo có nói bên anh bay nhiều, cho rút xuống 100 triệu/chuyến được không? Kiên bảo không, cái này theo barem rồi". Một số người khác khai tương tự, nói Kiên ép họ phải đưa tiền nếu không sẽ không được cấp phép chuyến bay giải cứu.
Theo cáo trạng, Phạm Trung Kiên có nhiệm vụ tiếp nhận, trình Thứ trưởng Bộ Y tế duyệt, ký văn bản trả lời liên quan đến việc cho ý kiến xét duyệt các chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, từ tháng 2-2021 đến tháng 12-2021, bị cáo Kiên đã nhận hối lộ 253 lần của 18 cá nhân và 62 đoàn khách lẻ khác, tổng số tiền hơn 42,6 tỉ đồng. Với cáo buộc này, bị cáo Phạm Trung Kiên nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ án chuyến bay giải cứu.
Bình luận (0)