Chiều nay 12-7, phiên toà xét xử bị cáo Tô Anh Dũng, cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cùng 53 đồng phạm khác liên quan đến vụ án "Chuyến bay giải cứu" tiếp tục với phần xét hỏi.
Cựu thứ trưởng Tô Anh Dũng được dẫn giải tới phiên toà
Tại phiên toà, cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng khai ngay từ những ngày đầu chống dịch COVID-19, bị cáo được phân công đại diện Bộ Ngoại giao tham gia vào làm thành viên của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Quốc gia. Cùng với đó, phụ trách công tác của Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) liên quan đến mảng bảo hộ công dân, hỗ trợ công dân ở nước ngoài.
Về quy trình cấp phép chuyến bay ở Bộ Ngoại giao, Cục Lãnh sự được phân công tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp rồi phân công Phòng bảo hộ công dân (Cục Lãnh sự) xem xét về năng lực, khả năng, đồng thời nắm bắt các nhu cầu ở nước ngoài và trong nước. Qua đó, xây dựng các kế hoạch để trình cá nhân bị cáo ký về chủ trương, trước khi triển khai gửi 5 bộ.
"Trước khi triển khai cụ thể, bị cáo đã phối hợp với tổ 5 bộ, thành viên ban chỉ đạo xây dựng các tiêu chí để các doanh nghiệp tham gia quy trình gửi các bộ phối hợp sao cho nhuần nhuyễn. Liên quan đến các chuyến bay combo phải có ý kiến của địa phương và Bộ Công an"- bị cáo Dũng khai.
Cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao cũng thừa nhận có "tiếp xúc" với một số doanh nghiệp xin được cấp phép chuyến bay song "không chủ động". Doanh nghiệp có nhu cầu tham gia và bị cáo "nể nang", muốn nghe xem doanh nghiệp có khó khăn vướng mắc gì không. Trong quá trình giải quyết, bị cáo cũng cũng chỉ hỏi thăm năng lực của doanh nghiệp và hướng dẫn với họ phối hợp với Cục Lãnh sự làm tốt hơn.
Trong số 13 doanh nghiệp bị cáo tiếp xúc cũng đã có 7 doanh nghiệp tham gia và được Văn phòng Chính phủ phê duyệt. Các doanh nghiệp xin cấp phép phê duyệt chuyến bay chủ động liên hệ, "Bị cáo không chủ động, không yêu cầu và cũng không có mưu đồ gì"- bị cáo Dũng trình bày.
Về số tiền nhận hối lộ, cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao khai đã gặp, nhận của Hoàng Diệu Mơ, Tổng giám đốc Công ty An Bình, 8,5 tỉ đồng; nhận của Hoàng Anh Kiếm (lao động tự do) 30.000 USD; Lê Văn Nghĩa, giám đốc Công ty Nhật Minh, 40.000 USD; Nguyễn Tường Vy, Giám đốc Công ty ATA, 115.000 USD… cùng nhiều người khác với tổng số tiền 21,5 tỉ đồng như cơ quan tố tụng nêu.
Về hành vi nhận tiền hối lộ của mình, bị cáo nói "Xin lỗi hội đồng xét xử thời điểm đó, bị cáo không nhận thức được hành vi đã vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, khi bị cơ quan chức năng khởi tố, bị cáo đã nhận thức hành vi của mình là trái với pháp luật.
"Bị cáo không dám làm sai với chủ trương, chính sách. Khi gặp bị cáo cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp, bị cáo cũng muốn nghe xem họ có khó khăn gì không. Khi doanh nghiệp họ đến cảm ơn cũng nghĩ vì đã tạo điều kiện, bị cáo rất ăn năn hối lỗi khi làm việc với cơ quan điều tra"- bị cáo Tô Anh Dũng nêu.
Theo bị cáo Tô Anh Dũng, đến nay gia đình bị cáo đã nộp lại gần 17 tỉ đồng để khắc phục hậu quả của vụ án. Bị cáo đã bàn với luật sư cố gắng cùng với gia đình nộp lại toàn bộ số tiền đã nhận hối lộ "Do nhận thức trước đây không rõ, trót vi phạm, rất ăn năn hối lỗi".
Bình luận (0)