Sáng nay 9-11, trao đổi với Báo Người Lao Động, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (Công ty Luật TNHH MTV An Viên - Đoàn Luật sư TP HCM; người bào chữa cho cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh, cựu tổng cục trưởng Tổng Cục cảnh sát, Bộ Công an) cho biết ngày 8-11, luật sư Trang và 2 luật sư khác (cùng bào chữa cho bị cáo Vĩnh tại phiên tòa dự kiến bắt đầu ngày 12-11 tới) đã vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ động viên, nắm bắt diễn biến sức khỏe của bị cáo Phan Văn Vĩnh.
Ông Phan Văn Vĩnh thời điểm chưa bị bắt - Ảnh: Huy Thanh
Theo luật sư Trang, trước đó, hồi đầu tháng 10, ông Vĩnh phải nhập viện để điều trị bệnh tim mạch, vảy nến. Tối 7-11, ông Vĩnh lên cơn đau tim, khó thở và ngất rồi ngã xuống sàn trong phòng điều trị của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Rất may, cú ngã không để lại hậu quả nghiêm trọng. "Sức khỏe của ông Vĩnh đến thời điểm hiện tại ổn định trở lại và vẫn có thể tham gia phiên tòa vào ngày 12-11 tới đây. Ông Vĩnh quyết chí tham dự phiên tòa và mong muốn trả lời người tố tụng bằng tất cả sự thật nhằm giúp HĐXX có cái nhìn đúng bản chất của vụ án, từ đó xét xử đúng người, đúng tội" - luật sư Trang nói.
Theo cáo trạng, ngày 30-9-2011, Nguyễn Văn Dương thành lập Công ty CNC. Ngày 10-10-2011, Dương và ông Nguyễn Thanh Hóa, cựu thiếu tướng, cựu cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an), đã ký bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh về việc CNC hưởng 80% lợi nhuận, C50 nhận 20%. Tuy nhiên, C50 không góp vốn cũng như không cử cán bộ tham gia vào công ty này mà để Dương tự quyết.
Ngày 20-5-2016, ông Hóa báo cáo Công ty CNC vận hành 2 cổng game Rikvip và 23zdo hoạt động chui. Ông Vĩnh đã chỉ đạo xây dựng văn bản để gửi lãnh đạo Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông, hợp thức hóa. Theo cáo buộc, chưa có ý kiến của bộ trưởng, nhưng cùng ngày ông Vĩnh đã ký công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị cấp giấy phép cho CNC và Dương gửi công văn này đi.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công an không đồng ý và cho ý kiến chỉ đạo: "Tổng cục Cảnh sát đề xuất công tác quản lý và đấu tranh với loại tội phạm này trên mạng".
Theo cơ quan điều tra, Dương khai đã biếu ông Vĩnh đồng hồ Rolex, 27 tỉ đồng và 1,75 triệu USD. Dương còn nhiều lần tổ chức sinh nhật cho ông Vĩnh, mang rượu ngoại có giá 100 triệu đồng/chai đến phục vụ, tặng quà mỗi lần đi nước ngoài về. Dương cũng khai biếu ông Hóa 22 tỉ đồng. Những hành vi này, cơ quan chức năng tách riêng để điều tra, sẽ xử lý khi có đủ căn cứ.
Mặc dù ông Phan Văn Vĩnh khai đây là vật nhờ mua và đã trả 1,1 tỉ đồng, song VKS cho rằng không có cơ sở. Bởi lương của ông Vĩnh khoảng 20 triệu đồng/tháng, để mua món đồ hàng hiệu này, ông sẽ mất 5 năm thu nhập, không chi tiêu gì.
Cơ quan công tố tỉnh Phú Thọ cho rằng hành vi của ông Phan Văn Vĩnh gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và ảnh hưởng đến uy tín ngành. Ông Nguyễn Thanh Hóa bị quy kết đã bao che, không cho các phòng nghiệp vụ xác minh, xử lý CNC.
Bình luận (0)