TS Nguyễn Vinh Huy, Chủ tịch sáng lập Hệ thống Luật Thịnh Trí, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, trả lời: Trong trường hợp của bạn, đây được xem là mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, việc này phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản. Bên nhờ mang thai hộ và người được nhờ mang thai hộ phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại khoản 2, khoản 3 điều 95 của Luật Hôn nhân Gia đình 2014.
Cụ thể, vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây: Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây: Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Thậm chí, mang thai hộ vì mục đích thương mại (là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác) còn là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Một trong những điều kiện của vợ chồng nhờ người mang thai hộ là giữa họ đang không có con chung. Theo khoản 1 điều 88 của Luật Hôn nhân Gia đình 2014, "con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng; con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng".
Như vậy, con chung của vợ chồng được hiểu là con do người vợ trực tiếp sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Điều đó đồng nghĩa, dù đã nhận con nuôi nhưng nếu đáp ứng các điều kiện khác nêu trên, vợ chồng bạn vẫn có quyền nhờ người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Bình luận (0)