Mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra phiên tòa xét xử kín ông Nguyễn Đức Chung, nguyên chủ tịch UBND TP Hà Nội, do thẩm phán Trương Việt Toàn (Phó Chánh án TAND TP Hà Nội) ngồi ghế chủ tọa. Vì là xét xử kín nên báo chí chỉ được nghe phần tuyên án qua màn hình tivi.
Sau phiên xử, thẩm phán Trương Việt Toàn đi xuống bắt tay ông Nguyễn Đức Chung và các bị cáo khác. Việc này gây nhiều tranh luận trái chiều trên mạng.
Trao đổi với Báo Người Lao Động về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau, Tiến sĩ luật học), cho rằng khi xét xử, Thẩm phán được nhân danh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải vô tư khách quan. Trong vụ án hình sự, thẩm phán và bị cáo, đương sự khi tiếp xúc cũng có quy định cụ thể theo nguyên tắc trong Bộ luật tố tụng hình sự.
Thẩm phán Trương Việt Toàn bắt tay động viên bị cáo Nguyễn Đức Chung - Ảnh: Cắt từ clip
Theo ông Vân, việc ông Trương Việt Toàn vỗ vai, bắt tay ông Nguyễn Đức Chung sau phiên toà, nhiều người hiểu rằng phiên tòa xét xử kết thúc thì đây là góc độ con người với con người. Bên cạnh đó, là một người nắm công cụ pháp luật, ông Toàn đã chia sẻ, an ủi và tuyên truyền, giải thích thêm pháp luật trong việc xử lý đối với ông Nguyễn Đức Chung.
Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý tại pháp đình, ông Lê Thanh Vân cho rằng hành vi đó là không hợp lệ. Bởi, vị trí của thẩm phán chủ tọa đang ngồi là phán quan khi đưa ra pháp luật cần xem xét tất cả các yếu tố của một vụ án dựa trên căn cứ pháp luật, chứ không dựa trên cảm xúc được.
"Một con người có rất nhiều vị thế trong xã hội, khi nào là bạn bè, người thân thì có thể ứng xử bằng tình cảm, đạo đức. Tuy nhiên, khi đang ngồi ở vị trí quan toà, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa thì đó là con người pháp lý. Phân ngôi rất rõ ràng, luật pháp bất vị thân, tuyệt đối không để tình cảm lấn át ý trí. Khi tòa án là nhân danh Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để đưa ra bản án phải khách quan, vô tư không được chi phối tình cảm, cảm xúc cá nhân"- Đại biểu Đoàn Cà Mau nhấn mạnh và cho rằng đây cũng là bài học để các vị thẩm phán rút kinh nghiệm.
Tương tự, ông Phạm Văn Hòa (Đại biểu Quốc hội Đoàn Đồng Tháp, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội), cho rằng hiện nay chưa có quy định nào về việc thẩm phán bắt tay với bị cáo, bị can. Tuy nhiên việc chủ tọa quan tòa là "cán cân" công lý, sau khi xét xử bị cáo thì cần phải công chính, nghiêm minh, vô tư, khách quan.
"Tôi cho rằng sau khi xét xử vụ án mà thẩm phán xuống bắt tay với bị cáo thì rất là phản cảm. Việc này chưa từng xảy ra tại một phiên toà"- ông Hòa đánh giá.
Theo ông Hoà, nếu thẩm phán có tình cảm với một bị cáo thì có thể đến thăm tại trại giam để thể hiện tình cảm. Tuy nhiên, việc này lại diễn ra giữa chốn "công đường" mà thể hiện thái độ niềm nở, thân mật với một bị cáo thì người dân có quyền nghi ngờ về tính công bằng, nghiêm minh, vô tư, khách quan của vụ án.
Giải thích về hành động nêu trên, trao đổi với báo chí, ông Trương Việt Toàn chia sẻ: Hôm đó, tuyên án xong, tôi đi về phòng làm việc của mình. Lúc đó, đương nhiên phải đi qua hàng bị cáo.
Khi đi qua bị cáo Chung, ông Chung đưa tay ra bắt. Thực ra, trong giây phút đó tôi cũng suy nghĩ rất nhanh. Sau khi chững lại một chút, cuối cùng, tôi quyết định bắt tay, vỗ vào vai bị cáo một cái và có lời động viên: "Cố gắng cải tạo cho tốt. 5 năm mà anh cải tạo tốt thì cũng nhanh thôi".
Ông Toàn cho rằng, ở góc độ luật pháp, xét xử như vậy là nghiêm minh, xử đúng khung khoản, điều luật. Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đều được đánh giá đúng tính chất, mức độ của từng bị cáo và áp dụng mức án phù hợp.
Bình luận (0)