Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, đối với những đăng kiểm viên đã bị khởi tố, dù bị tạm giam hay tại ngoại, Cục vẫn đang trả tiền lương do vẫn chưa bị xét xử, còn quyền công dân và việc bố trí công việc để các đăng kiểm viên thực hiện nhiệm vụ của mình cũng không trái quy định pháp luật.
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Người Lao Động đã phỏng vấn luật sư Nguyễn Thành Công (Giám đốc Công ty Đông Phương Luật) về việc đăng kiểm viên đang bị khởi tố nhưng không bị tạm giam thì có được tiếp tục làm việc hay không.
Luật sư Nguyễn Thành Công: Trước tiên, cần xác định Đăng kiểm viên là viên chức nên họ được điều chỉnh bởi Luật Viên chức và Nghị định 112/2020. Căn cứ theo nghị định này, các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật khi "Cán bộ, công chức, viên chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền".
Luật sư Nguyễn Thành Công (Giám đốc Công ty Đông Phương Luật)
Như vậy, theo quy định này nếu cấp có thẩm quyền (Cục đăng kiểm) không có ý kiến nào khác thì khi cán bộ, viên chức, ở đây là đăng kiểm viên bị khởi tố, thì chưa xem xét kỷ luật. Chưa có kỷ luật thì được tiếp tục hoạt động công việc như hợp đồng lao động hoặc quyết định bổ nhiệm đã ký
Tức là vẫn hoạt động các công việc trước đây mà người đó đảm nhiệm. Nội dung này là thống nhất với tinh thần một người chưa bị xem là tội phạm khi chưa bị tuyên bởi 1 bản án hình sự có hiệu lực pháp luật.
Ngoài ra, họ còn được trả lương như trước đó nếu họ bị khởi tố nhưng không bị tạm giam và đang tiếp tục công việc. Đối với người bị khởi tố và tạm giam thì họ được hưởng 50% lương cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có) trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam.
Nếu được kết luận là oan, sai thì được truy lĩnh 50% tiền lương còn lại. Trường hợp bị Tòa án tuyên là có tội thì không được truy lĩnh 50% tiền lương còn lại.
Bình luận (0)