Trước năm 1975, ông Đ.V.H và bà N.T.G mất, để lại 5 căn nhà trên đường Bà Hom, phường 13, quận 6, TP HCM cho các con. Nhưng có lẽ ông bà cũng không ngờ, khối tài sản chắt chiu cả đời dành cho 6 người con chung lại chính là nguồn cơn khiến họ "đấu đá" nhau triền miên.
Quyết đòi cho bằng được
Sau ngày ông bà mất, có một thời gian 6 người con sống êm đềm cạnh nhau. Đứa lớn chăm lo, bảo bọc cho đứa nhỏ. Đến khi tất cả đều có gia đình riêng, giá đất "đội" lên từng ngày, những tranh chấp bắt đầu và ngày càng gay gắt.
Lá đơn khởi kiện đòi chia tài sản đầu tiên được một trong 6 người gửi đến TAND quận 6 không lâu sau đó. Đến năm 1985, TAND TP HCM xử phiên phúc thẩm, quyết định chia bất động sản thừa kế là một căn nhà tranh chấp ở đường Bà Hom cho 6 đương sự.
Năm 1996, họ tiếp tục bán căn nhà khác, chia đều cho 6 người. Năm 2003, bán 1 căn nhà nữa được 70 lượng vàng SJC, ông T. - anh cả - đứng ra chia cho 4 người em là bà A., bà N., bà T., bà Đ.; riêng bà Th. chủ động không nhận. Thay vào đó, bà A., ông T., bà N., đồng ý ký vào giấy ưng thuận có nội dung: "Sau khi trao đổi, thỏa thuận, chúng tôi đồng ý cho em là Đ.T. Th được toàn quyền sử dụng và hợp thức hóa quyền sở hữu, định đoạt 2 căn nhà. Cam kết không tranh chấp khiếu nại".
Đến năm 2003, bà Th. làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu 2 căn nhà này. Cho rằng đây là tài sản cha mẹ để lại, bà N. khởi kiện bà Th. với mong muốn được hưởng 1/6, mỗi căn nhà được định giá hơn 12 tỉ đồng.
Mở đầu phiên xét xử, đại diện nguyên đơn, con gái bà N. cho rằng gia đình bà Th. đã chiếm đoạt tài sản do ông bà để lại nên sẽ đi đến cùng vụ kiện. Mặc dù trước đó, HĐXX đã dành nhiều thời gian khuyên nhủ các đương sự tự hòa giải để giữ tình cảm gia đình. Lấy lý do muốn thực hiện tâm nguyện cuối cùng của mẹ, con gái bà A., người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cũng một mực khẳng định muốn được tòa chia 1/6 giá trị 2 căn nhà.
Minh họa: Khều
Mười mấy năm ăn ngủ không yên
Dường như vì ngại phải đối mặt nhau giữa phiên xét xử "tranh chấp thừa kế", cả nguyên đơn và bị đơn - bà N. và bà Th. đều xin vắng mặt.
Ông Đ., chồng bà Th. đồng thời là đại diện hợp pháp của bị đơn, ở̉ tuổi thất thập, tai đã không còn nghe rõ nhưng khi được hỏi về nguồn gốc 2 căn nhà, ông vẫn kể vanh vách. Theo ông Đ., sau ngày giải phóng, để hợp thức hóa nhà ở, vợ chồng ông đã bỏ 3.000 đồng để trả cho người thuê, lấy lại nhà, sau đó xây cất từ nhà cấp 4 thành nhà 2 tầng khang trang. "Lúc này gia đình bên vợ không ai có ý kiến gì cả, anh chị em còn ký vào giấy ưng thuận giao nhà cho vợ chồng tôi toàn quyền quản lý. Mãi đến sau này mới kiện tụng đòi chia đều. Như vậy là không được!" - ông Đ. trình bày.
"Nếu gia đình bà Th. không bỏ tiền lấy lại 2 căn nhà thì nhà đất đã thuộc quyền sở hữu của nhà nước. Thời điểm đó, sao không có ai khác đứng ra lấy nhà? Sau này, khi vợ chồng bà Th. cất nhà mới trên đất đó, sao không ai ý kiến gì?" - chủ tọa hỏi nguyên đơn. Im lặng hồi lâu, nguyên đơn phân trần do thời điểm đó còn quá nhỏ, không nhớ hết mọi việc. Và dù sống kế bên nhau nhưng khi bà Th. cất nhà mới, mọi người đều không… biết nên không ai có ý kiến.
Căn cứ hồ sơ vụ án và lời khai của các đương sự tại tòa, HĐXX bày tỏ sự đồng thuận với đại diện VKSND TP HCM. Cụ thể, xác định vụ án được thụ lý năm 2005, thời điểm khởi kiện về thừa kế đã hết. Thực tế bị đơn đã bỏ tiền chuộc lại nhà cho thuê, sau đó quản lý, sử dụng từ năm 1977 đến nay. Khi kê khai đăng ký nhà đất với tư cách chủ sở hữu, không có ai tranh chấp. Anh chị em trong gia đình đã tự nguyện ký giấy ưng thuận giao nhà cho bà Th. Năm 2003, bà Th. làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà chứ không phải là thủ tục đại diện thừa kế. Qua đó, HĐXX xác định 2 căn nhà không còn là tài sản thừa kế của cha mẹ nữa. Do đó, yêu cầu phản tố công nhận 2 căn nhà này là của bà Th. được chấp nhận. Đồng thời, bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tòa vừa tuyên xong, ông Đ. thở phào: "Xong rồi, mười mấy năm trời cực khổ, mất ăn mất ngủ của vợ chồng tôi đã kết thúc". Ở phía bên kia, 2 người cháu vợ bực dọc bước một mạch ra khỏi phòng xử án.
Bình luận (0)