Cơ quan tiến hành tố tụng các cấp vừa tiến hành rút kinh nghiệm trong xử lý vụ tranh chấp quyền đòi lại tài sản giữa nguyên đơn là Công ty CP Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam với bị đơn là Công ty CP Tơ lụa Bảo Lộc.
Mỗi cấp xét xử một kiểu
Nhiều năm trước, Công ty Dệt may lụa tơ tằm 2-9 cổ phần hóa thành Công ty CP Tơ lụa Bảo Lộc. Theo quy định, Công ty CP Tơ lụa Bảo Lộc kế thừa khoản nợ gần 15 tỉ đồng mà Công ty Dệt may lụa tơ tằm 2-9 vay Công ty CP Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam (công ty "mẹ" khi chưa cổ phần hóa) để đầu tư máy móc, thiết bị nhà xưởng. Nay Công ty CP Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam khởi kiện, đề nghị tòa án buộc Công ty CP Tơ lụa Bảo Lộc trả dứt khoản nợ.
Làm việc giữa các bên, bị đơn thừa nhận có nợ một số tiền là giá trị tài sản khi cổ phần hóa nhưng không đồng ý trả toàn bộ gần 15 tỉ đồng vì khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, giá cả máy móc, thiết bị do nguyên đơn đầu tư bị đẩy lên cao hơn nhiều so với thực tế.
Tòa sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện, bị đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Đầu năm 2015, tòa phúc thẩm đình chỉ xét xử vì người kháng cáo vắng mặt không rõ lý do (dù đã triệu tập hợp lệ).
Dự án khu dân cư Hòa Lân “đắp chiếu” nhiều năm
Khoảng 2 năm sau, cổ đông của Công ty CP Tơ lụa Bảo Lộc và công ty này (bị đơn) đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Kết quả, quyết định giám đốc thẩm nêu rõ số tiền hai bên tranh chấp không phải là khoản nợ mà là khoản đầu tư máy móc, thiết bị đã hạch toán vào mục đầu tư dài hạn nên không thể buộc bị đơn hoàn trả số tiền trên. Cơ quan có thẩm quyền giám đốc thẩm đã tuyên hủy quyết định phúc thẩm, bản án sơ thẩm; giao hồ sơ về cấp sơ thẩm giải quyết lại từ đầu.
Không lâu sau, Chánh án TAND Tối cao ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với quyết định giám đốc thẩm nêu trên. Chấp nhận kháng nghị này, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hủy quyết định giám đốc thẩm đầu tiên, giữ nguyên quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm. Theo Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, hồ sơ thể hiện phía bị đơn từng thừa nhận gần 15 tỉ đồng chính là khoản nợ và đề xuất phương án trả nợ nên nguyên đơn đòi nợ có cơ sở. Việc hủy quyết định phúc thẩm và bản án dân sự sơ thẩm thể hiện nhiều sai sót như: chưa đầy đủ chứng cứ, đề xuất đường lối giải quyết không phù hợp với tình tiết khách quan trong hồ sơ vụ việc.
Bất nhất với cách tính lãi
Vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa một ngân hàng (nguyên đơn) với Công ty TNHH MT (bị đơn) cũng trải qua nhiều cấp xét xử với kết quả xử án chênh lệch, bất nhất.
Năm 2007, hai bên ký kết hợp đồng tín dụng với nội dung: ngân hàng cho Công ty TNHH MT vay 9 tỉ đồng, thời hạn 5 năm. Bên vay trả lãi đối với khoản tiền lãi nếu chậm thanh toán, theo lãi suất nợ quá hạn (bằng 150% lãi cho vay trong hạn). Do doanh nghiệp vi phạm thời hạn trả nợ gốc, lãi nên ngân hàng khởi kiện. Trong đơn, phía ngân hàng tính tổng số tiền nợ đến thời điểm khởi kiện (tháng 11-2016) là hơn 17,5 tỉ đồng gồm: nợ gốc, lãi trên nợ gốc trong hạn, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi phạt trên lãi chậm thanh toán. Bản án sơ thẩm buộc bị đơn thanh toán số nợ như nguyên đơn yêu cầu. Ngoài ra, "kể từ ngày tiếp theo ngày xét xử sơ thẩm, Công ty TNHH MT không trả đủ số tiền trên cho ngân hàng thì còn phải chịu lãi suất đối với số tiền nợ vay (gốc và lãi) cho đến khi thanh toán xong nợ vay (gốc và lãi) theo lãi suất thỏa thuận quy định tại hợp đồng tín dụng".
Lập tức, Công ty TNHH MT kháng cáo toàn bộ bản án trên. Dù không chấp nhận quan điểm kháng cáo nhưng HĐXX phúc thẩm vẫn sửa một phần bản án sơ thẩm liên quan đến lãi suất chậm trả. Cụ thể, bản án phúc thẩm sửa thành: "Kể từ ngày ngân hàng có đơn yêu cầu thi hành án, nếu Công ty TNHH MT không thi hành các khoản phải thi hành hoặc thi hành chậm thì phía công ty phải chịu lãi suất do thi hành án chậm".
Ba năm sau, Công ty TNHH MT đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Hội đồng giám đốc thẩm tuyên bố sửa một phần bản án phúc thẩm liên quan đến số tiền lãi, "buộc Công ty TNHH MT thanh toán hơn 14,3 tỉ đồng gồm: nợ gốc, lãi trên nợ gốc trong hạn, lãi trên nợ gốc quá hạn. Kể từ ngày tiếp theo ngày xét xử sơ thẩm, Công ty TNHH MT phải chịu khoản tiền lãi quá hạn của số nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc...".
Quyết định giám đốc thẩm nhận xét khoản lãi suất 2 cấp tòa buộc Công ty TNHH MT thanh toán chưa hợp lý. Bởi tại thời điểm xác lập và thực hiện hợp đồng tín dụng, pháp luật không cho phép tính lãi chồng lãi như vậy. Do đó, thỏa thuận trong hợp đồng về số tiền lãi chậm thanh toán là trái luật mà đúng ra 2 bản án cần bác bỏ khoản lãi suất này.
Cũng liên quan đến kiện tụng, dự án khu dân cư Hòa Lân (tỉnh Bình Dương) phải "đắp chiếu" gần 20 năm. Mới đây TAND TP HCM đã đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp liên quan đến dự án khu dân cư này.
Năm 2002, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thiên Phú (Công ty Thiên Phú) triển khai dự án khu dân cư Hòa Lân, sau đó thế chấp dự án này ở ngân hàng. Vì doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, ngân hàng đã xử lý thu hồi nợ bằng cách bán đấu giá.
Năm 2017, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP HCM trúng đấu giá dự án (hơn 1.350 tỉ đồng). Bất ngờ sau đó, Công ty Thiên Phú khởi kiện tổ chức bán đấu giá - Công ty CP Đấu giá Nam Sài Gòn, yêu cầu hủy kết quả đấu giá. Đến cuối năm 2020, TAND quận 7 xử sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện. Không đồng tình, Công ty Thiên Phú kháng cáo nhưng sau đó rút kháng cáo.
Hướng dẫn tính lãi suất
Theo hướng dẫn từ TAND Tối cao về tính lãi suất trong hợp đồng tín dụng, chỉ có số nợ gốc chưa thanh toán mới được tiếp tục tính lãi. Số lãi được tính từ ngày tiếp theo sau ngày xét xử sơ thẩm, theo mức lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng.
Bình luận (0)