Trả lời: Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP HCM, cho biết: Theo quy định tại khoản 1, điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần. Nhiều người cùng thực hiện một hành vi thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt. Trong trường hợp này, cần xác định rõ việc để xe trên vỉa hè là do khách (tài xế) hay chủ quán. Nếu khách tự đậu xe trên vỉa hè thì trách nhiệm thuộc về khách, còn khách đỗ xe theo sự hướng dẫn của chủ quán thì có thể cả khách lẫn chủ quán đều bị phạt. Cụ thể, khách bị phạt vì đậu xe trên vỉa hè (không thuộc trường hợp được phép trông giữ xe), còn quán nhậu hướng dẫn để xe không đúng quy định cũng có thể liên đới chịu trách nhiệm.
Còn nếu xe được nhân viên/chủ quán tiếp nhận rồi đậu không đúng quy định thì trách nhiệm thuộc về chủ quán. Vì lúc này đã hình thành hợp đồng gửi giữ xe (hợp đồng miệng) giữa khách và quán, tức là xe đang nằm trong sự quản lý của quán. Dưới góc độ pháp lý, lỗi này là của chủ quán chứ không phải khách đến ăn. Khi bị xử phạt, khách có thể yêu cầu chủ quán hoàn trả tiền phạt hoặc tự chịu trách nhiệm khi bị xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, trên thực tế, việc hoàn trả là khó xảy ra vì nếu chủ quán không hoàn trả thì xảy ra tranh chấp và với số tiền không lớn nên khả năng kiện tụng, giải quyết tranh chấp qua tòa án là ít xảy ra.
Do đó, khách đến các nhà hàng, quán nhậu cần đậu xe đúng quy định tại điều 19 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 hoặc gửi xe vào những địa điểm có bãi giữ xe an toàn, vừa tránh mất xe vừa tránh bị xử phạt.
Bình luận (0)