Ngày 17-3, VKSND TP HCM cho biết vừa kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm của TAND quận 3 xét xử 4 năm tù đối với bị cáo Trần Lê Trọng Hiếu (SN 1979, nhân viên thu cước dịch vụ VNPT) về tội "Tham ô tài sản".
Chính sách khoan hồng đặc biệt
Bị cáo Hiếu được giao nhiệm vụ thu cước dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin (gồm thu cước phát sinh và thu nợ nếu có); phát hóa đơn, hóa đơn điện tử, hóa đơn chuyển đổi (nếu có).
Theo quy trình, sau khi thu tiền cước của khách hàng phải gạch nợ ngay trên máy Pos, giao biên nhận thanh toán cho khách hàng, giữ lại biên nhận xác nhận giao dịch tài khoản thành công để đối chiếu với ngân hàng khi cần thiết. Hằng ngày phải chủ động tổng kết số tiền thu cước trên máy Pos trước 15 giờ 30 phút để ngân hàng chuyển tiền thu cước trong tài khoản ký quỹ của Hiếu cho Trung tâm Kinh doanh VNPT TP HCM. Nếu tiếp tục thu sau 15 giờ 30 phút, sẽ tổng kết số lượng thêm 1 lần vào cuối ngày. Sau khi tổng kết, không được hủy đối với các mã đã thanh toán giao dịch và phải nộp đầy đủ số tiền thu được trong ngày vào tài khoản thẻ ký quỹ.
VKSND TP HCM kháng nghị yêu cầu miễn hình phạt cho bị cáo Trần Lê Trọng Hiếu
Từ ngày 1-9-2018 đến 1-11-2018, sau khi thu được cước phí và tiến hành gạch nợ trên máy Pos để in biên nhận đã thanh toán cho khách hàng, Hiếu nhiều lần thực hiện hủy trên hệ thống máy Pos nhưng không hủy trên hệ thống thu cước của VNPT đối với 46 khách hàng, chiếm đoạt 124,7 triệu đồng. Khi bị phát hiện, Hiếu nghỉ việc và chuyển 124,7 triệu đồng khắc phục hậu quả.
VKSND TP HCM nhận định trong quá trình bị điều tra, truy tố, bị cáo được xác định bị ung thư vòm hầu, tỉ lệ tổn thương cơ thể do bệnh là 95%. Tuy nhiên, các cơ quan tiến hành tố tụng quận 3 không xem xét miễn trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 2 điều 29 Bộ Luật Hình sự (BLHS) đối với bị cáo. Về tiền chiếm đoạt, bị cáo sử dụng vào mục đích chữa bệnh và đã khắc phục ngay. Cấp sơ thẩm chỉ áp dụng điểm b, s khoản 1, khoản 2 điều 51 BLHS mà không áp dụng điểm g khoản 1 điều 51 BLHS đối với bị cáo là có thiếu sót.
Theo điểm d khoản 3 điều 5 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30-12-2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ, bị cáo thuộc trường hợp xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt.
Nội dung này được quy định tại điều 59 của BLHS đối với trường hợp người phạm tội có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 điều 51 của BLHS. Cụ thể: "Người phạm tội sau khi bị phát hiện đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra". Vì vậy, VKSND TP HCM đề nghị TAND TP HCM xét xử phúc thẩm theo hướng áp dụng thêm điểm g, khoản 1 điều 51, điều 59 BLHS xét miễn hình phạt đối với bị cáo.
Điểm tiến bộ trong xét xử
Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP HCM) nhìn nhận: "Thực tế, đã có trường hợp HĐXX áp dụng quy định này để miễn hình phạt cho người phạm tội. Sự cụ thể hóa quy định về miễn hình phạt tại điều 59 BLHS như tại điều 5 của Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP đối với các tội phạm tham nhũng và các tội phạm khác về chức vụ là một bước tiến, bảo đảm được nguyên tắc pháp luật trong quá trình xử lý tội phạm. Mục đích nhằm răn đe, giáo dục chung cho toàn xã hội mà trên hết đã mang tính nhân văn sâu sắc, quy định này cho phép HĐXX được quyền miễn hình phạt đối với người phạm các tội về tham nhũng hoặc các tội phạm khác về chức vụ khi đáp ứng các điều kiện mà pháp luật quy định".
Đồng quan điểm, luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn Luật sư TP HCM) cũng khẳng định đây là điểm tiến bộ trong công tác xét xử các vụ án hình sự, đặc biệt là đối với các tội phạm "nhạy cảm" như nhóm tội phạm tham nhũng. Đồng thời, hướng dẫn này cũng thể hiện việc xét xử của tòa án đối với tội phạm ngày càng linh hoạt, chủ động mà mục tiêu hướng đến là việc đề cao hiệu quả trong công tác phòng ngừa tội phạm, khắc phục hậu quả do tội phạm gây ra.
"Quy định mới này thể hiện tính nhân đạo, khoan hồng; đồng thời khuyến khích người phạm tội hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Cụ thể là góp phần tăng cường giúp đỡ các cơ quan chức năng thu hồi lại giá trị tài sản đã thiệt hại do người phạm tội gây ra" - luật sư Võ Đan Mạch nhấn mạnh.
Không cần thiết áp dụng hình phạt
Theo luật sư Nguyễn Thành Công, về mặt lý luận, hình phạt là hậu quả pháp lý của tội phạm, luôn gắn liền với tội phạm. Với hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm thì việc áp dụng biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của nhà nước là điều không tránh khỏi. Nhưng thực tế, có những trường hợp bị cáo ăn năn, khắc phục hậu quả, bị bệnh tật thì việc áp dụng hình phạt không còn cần thiết bởi người phạm tội đã nhận thức đầy đủ về tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi. Tức mục đích của hình phạt đã đạt được, hậu quả của tội phạm đã được khắc phục toàn bộ, việc áp dụng hình phạt đối với những trường hợp này là không cần thiết.
Bình luận (0)