Thế giới đồ chơi kinh dị và bạo lực
Tính bạo lực trong đồ chơi trẻ em đã từng bị báo chí lên án khá gay gắt. Tạm lắng được một thời gian khá dài, từ đầu năm 2005 đến nay trên thị trường lại xuất hiện nhiều chủng loại đồ chơi hiện đại hơn, nguy hiểm hơn và rùng rợn hơn. Chẳng mấy khó khăn khi vào một shop bán đồ chơi hay quầy tạp hóa có vẻ rất vớ vẩn để mua một món đồ kinh dị. Hiện nay đang có phong trào nhiều cậu bé học lớp một, lớp hai ở các trường tiểu học rất thích mang một hàm răng giả của quỷ Dracula. Ở độ tuổi những chiếc răng sữa vừa chuẩn bị được thay thế, nhìn bé nào cũng đáng yêu, vậy mà nhiều buổi chiều tan học không ít ông bố bà mẹ thất kinh khi thấy con mình mang hàm răng nhọn hoắt như quỷ cười nham nhở! Đi đồng bộ với hàm răng này là viên kẹo ma có xuất xứ từ Trung Quốc giá 500 đồng/viên. Đúng như tên gọi, loại kẹo này, một thứ phẩm màu đậm đặc, sẽ nhuộm cho lưỡi xanh lè hoặc đỏ chót như ma quỷ.
Không khó khăn gì khi tìm trong mớ hỗn độn của thế giới đồ chơi trẻ em những thứ rất vô duyên. Gọi là đồ chơi nhưng chẳng hề có tính giáo dục, tính thẩm mỹ hay tối thiểu là tính giải trí. Ngoài những món đồ chơi mang hình thù những con vật bẩn thỉu, nguy hiểm như chuột, rắn, gián... còn có nhiều thứ chúng ta không thể hình dung nổi bởi đó là cục phân, cục đàm xanh lè hay khủng khiếp hơn là cánh tay bị chặt đứt còn rớm máu nhìn y như thật.
Riêng mặt hàng đồ chơi là súng thì vào các shop đồ chơi mới có. Trong vai một người vào mua quà sinh nhật tặng con trai, chúng tôi ghé shop H.K bán đồ chơi khá lớn trên đường Quang Trung (Q. Gò Vấp). Bà chủ tiệm vừa lôi trong góc tủ ra một mớ gần chục khẩu súng các loại vừa nhanh nhảu giới thiệu: “Đây là hàng Trung Quốc, mới về, bán rất chạy". Chúng tôi hỏi: ''Nhìn súng ghê quá, sao nhiều trẻ lại thích?''. Bà chủ nói tỉnh queo: “'Tôi bán hàng tôi biết, chuyện súng ống với bọn trẻ bây giờ chẳng có gì khủng khiếp hay lạ lẫm, đêm nào trên ti vi chẳng thấy người ta bắn nhau”. ''Bán thế này không sợ công an bắt à?''. Bà chủ như sực tỉnh trước câu hỏi nên giục: "Cô chọn nhanh lên kẻo họ thấy thì nguy".
Nhưng có lẽ những thứ ''hàng nóng'' của bà chủ tiệm H.K chưa thấm vào đâu bởi chỉ trong một tuần lễ gần đây thôi, trên thị trường đồ chơi trẻ em tại TPHCM đang rộ lên một đợt hàng rất nguy hiểm, đó là những khẩu súng có xuất xứ từ Trung Quốc được tháo rời đựng trong một valy chuyên dụng y như những chiếc valy đựng ''hàng nóng'' luôn nằm trong tay các ông trùm trong phim hành động của Mỹ. Khẩu súng này được làm bằng thứ nhựa tổng hợp rất bền, từng bộ phận sẽ được người chơi lắp ráp lại theo trình tự chỉ dẫn. Ngoài một băng đạn 50 viên, súng còn có tia ngắm hồng ngoại... Không những mẫu mã của nó giống như thật mà đạn bắn ra cũng có sức công phá rất lớn, người bắn đứng cách xa khoảng 5 m có thể bắn vỡ nát chai bia Sài Gòn, bắn chết con chuột. Nguy hiểm như thế nhưng chẳng khó khăn gì khi muốn sở hữu vì chỉ cần 470.000 đồng là có thể đến chợ Kim Biên tậu cho mình một khẩu.
Hiểm họa khôn lường
Với sức công phá làm vỡ chai bia hay tia ngắm hồng ngoại là tia rất có hại cho võng mạc..., chắc chắn ai cũng biết loại súng này sẽ mang hiểm họa đến cho người chơi và người cùng chơi. Những thứ đồ chơi kinh dị mang tính bạo lực sẽ tác động rất xấu đến tâm hồn, nhân cách cũng như tác hại đối với sức khỏe của trẻ và gây bất ổn về trật tự xã hội. Theo thông tin từ Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2, từ đầu năm đến nay tuy chưa tiếp nhận ca nào do trẻ dùng súng bắn đạn nhựa gây ra nhưng các bác sĩ trực cấp cứu cho biết năm nào khoa cũng có một vài ca. Số trẻ bị tổn thương cơ thể có thể không nhiều song ảnh hưởng đến tâm lý nhân cách chắc chắn là không ít. Theo nhà giáo Phan Thúc Xán, Giám đốc Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp - tâm lý - giáo dục trẻ, thì trẻ dưới 10 tuổi thường rất hay bắt chước một cách vô ý thức. Nếu trẻ chơi những thứ đồ chơi mang tính bạo lực nhiều, nó sẽ trở thành thói quen và thói quen rất dễ trở thành bản chất. Những trẻ thích đồ chơi là dao, kiếm... khi lớn lên nếu trong sinh hoạt có mâu thuẫn thường dùng vũ lực, hung khí để chống trả. Riêng việc cho trẻ chơi những đồ chơi có tính kinh dị, sau này trẻ rất dễ vô cảm trước nỗi đau của người khác. Liệu các cơ quan chức năng có biết điều này?
Bình luận (0)