Phiên tòa sơ thẩm của TAND TP Hải Phòng xét xử vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại đầm tôm hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn hôm 5-1-2012 đã tuyên án với 6 bị cáo.
Theo đó, các bị cáo Đoàn Văn Vươn (SN 1963) bị tuyên phạt 5 năm tù; Đoàn Văn Quý (1966): 5 năm tù; Đoàn Văn Sịnh (SN 1957): 3 năm 6 tháng tù; Đoàn Văn Vệ (SN 1974): 2 năm tù về tội “Giết người” theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 93 Bộ Luật Hình sự.
2 bị cáo Phạm Thị Báu (tức Hiền, SN 1982, vợ Đoàn Văn Quý) bị 18 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 36 tháng và Nguyễn Thị Thương (SN 1970, vợ Đoàn Văn Vươn) bị 15 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 30 tháng về tội chống người thi hành công vụ quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 257 Bộ Luật Hình sự.
Khi tuyên án, Hội đồng xét xử (HĐXX) cho rằng đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, quan điểm đánh giá của dư luận theo nhiều chiều. Tại tòa các bị cáo không nhận hành vi phạm tội hoặc nhận hết. Các luật sư bào chữa đưa ra nhiều lí lẽ, quan điểm khác nhau để bảo vệ các bị cáo.
HĐXX cho rằng các thành viên tổ công tác cưỡng chế đều là thành viên lực lượng vũ trang, quân đội; đều làm đúng quy định và là thi hành công vụ. Vì vậy, việc bào chữa cho rằng những thành viên trong tổ công tác không phải tham gia thi hành công vụ đã không được HĐXX chấp nhận.
HĐXX nhận thấy việc Viện KSND TP Hải Phòng truy tố các bị cáo Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh và Đoàn Văn Vệ về tội “Giết người" và "Chống người thi hành công vụ"; truy tố 2 bị cáo Phạm Thị Báu và Nguyễn Thị Thương về tội “Chống người thi hành công vụ” là có cơ sở, đúng pháp luật.
Bị hại không xâm phạm các quyền lợi của bị cáo nên không thể nói các bị cáo phải phòng vệ chính đáng.
HĐXX cho rằng bị cáo Vươn giữ vai trò chủ mưu, tổ chức, lên kế hoạch, chỉ đạo các bị cáo khác phạm tội, có vai trò cao nhất. Song HĐXX cũng cho rằng bị cáo Vươn nhân thân chưa có tiền án, tiền sự, tại tòa khai nhận thành khẩn, đã từng tham gia quân đội.
Bị cáo Quý thực hiện tội phạm tích cực, ra tự thú trước khi bị cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố. Tuy nhiên tại tòa, bị cáo Quý nhận hết tội cho người thân, thể hiện sự quanh co.
Bị cáo Sịnh đồng phạm giúp sức mà rựng hàng rào, đứng ngoài quan sát hỗ trợ khi cần thiết.
Bị cáo Vệ đồng phạm giúp sức trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội, vai trò thấp nhất trong vụ án. Lẽ ra phạm tội có mức độ có thể xem xét cho hưởng án treo nhưng tại tòa, bị cáo Vệ lại khai báo không thành khẩn, quanh co nên không đủ điều kiện áp dụng về giảm nhẹ.
Các bị cáo Thương và Báu phạm tội giúp sức trong giai đoạn chuẩn bị. Tại tòa thái độ khai báo của cả 2 cũng không thành khẩn. Lễ ra phải cách ly nhưng có chồng bị giam, lại là bị hại trong vụ án "hủy hoại tài sản" nên xem xét cho hưởng án treo.
HĐXX cũng nhận định, việc ban hành quyết định thu hồi đất có nhiều thiếu sót, tổ chức cưỡng chế có thiếu sót.
HĐXX khẳng định không có sự vi phạm nghiêm trọng tố tụng nên không trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Về dân sự, do bị hại không yêu cầu nên HĐXX không xem xét.
Trước đó 1 ngày, đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa đã đề nghị mức án đối với 6 bị cáo. Theo đó, các bị cáo Đoàn Văn Vươn bị đề nghị 5 - 6 năm tù; Đoàn Văn Quý: 4 năm 6 tháng - 5 năm tù; Đoàn Văn Sịnh: 3 năm 6 tháng - 4 năm tù; Đoàn Văn Vệ: 20-30 tháng tù cho hưởng án treo về tội “Giết người”.
2 bị cáo Phạm Thị Báu bị 18 - 24 tháng treo và Nguyễn Thị Thương bị 15 - 18 tháng treo cho thử thách về tội chống người thi hành công vụ.
Bình luận (0)