Để bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên tại Phú Quốc, ngày 3-1-2007, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành quyết định thành lập Khu Bảo tồn (KBT) biển Phú Quốc. KBT gồm 2 khu là KBT cỏ biển diện tích 6.825 ha (tính từ ven biển trở ra 3 km, chạy dọc từ xã Bãi Thơm đến xã Hàm Ninh ở phía Đông - Bắc đảo Phú Quốc) và KBT rạn san hô diện tích 9.720 ha, thuộc cụm đảo Hòn Thơm.
Công khai vi phạm
Theo đại diện Vườn Quốc gia Phú Quốc, đến thời điểm này, đề án du lịch sinh thái KBT biển Phú Quốc chưa được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt, nên tất cả hoạt động khai thác du lịch của các cá nhân, tổ chức trong KBT đều là trái phép. Thế nhưng, hàng loạt doanh nghiệp (DN) ở Phú Quốc vẫn thản nhiên khai thác du lịch trong khu vực cấm hơn chục năm qua. Đặc biệt, là loại hình lặn biển Seawalker (đi bộ dưới đáy biển) để ngắm san hô trong KBT hoạt động rầm rộ trong 5 năm trở lại đây, có nguy cơ đe dọa đến sự sống của loài thủy sinh này.
"Các DN vi phạm gồm Công ty Namaste, Công ty CP Sinh thái Đại Dương, Công ty Việt Asian, Công ty Ngọc trai Ngọc Hiền Phú Quốc và Công ty Huy Bảo" - đại diện Vườn Quốc gia Phú Quốc chỉ đích danh.
Ông Lê Trường Xoa, một người dân ở phường An Thới (TP Phú Quốc), kể thời Phú Quốc chưa phát triển du lịch, ở khu vực Nam đảo, chỉ cần úp mặt xuống biển là thấy trùng điệp những rạn san hô rực rỡ, bây giờ giảm đáng kể. "Ngoài lý do môi trường còn có nguyên nhân khác là người ta khai thác du lịch quá mức. Có những thời điểm khách du lịch chen chúc như cái chợ để xuống biển ngắm san hô" - ông Xoa bức xúc.
Theo ông Xoa, trước thực trạng này, mới đây, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc đã ký thông báo tạm dừng các hoạt động lặn ngắm san hô và đưa khách tham quan trong KBT biển Phú Quốc. Mục đích của việc tạm dừng này là nhằm đánh giá và phục hồi các rạn san hô, thảm cỏ biển và các nguồn lợi trong phân khu chức năng của KBT biển Phú Quốc. "Việc tạm dừng các hoạt động này tuy chậm nhưng hy vọng còn kịp" - ông Xoa cho biết.
Một công trình vi phạm xâm hại trực tiếp đến Khu Bảo tồn biển Phú Quốc
Lập tức chấn chỉnh
Theo đại diện Vườn Quốc gia Phú Quốc, ngoài khu vực rạn san hô bị các DN khai thác các loại hình lặn biển xâm phạm, khu vực thảm cỏ biển cũng ghi nhận 70 trường hợp vi phạm. Trong đó, 68 trường hợp vi phạm về xây cầu dẫn, nuôi trồng thủy sản, kè lấn chiếm biển, bungalow, nhà ở; 1 trường hợp vi phạm nuôi trồng thủy sản trái phép trong phân khu phục hồi sinh thái, 1 trường hợp nuôi trồng thủy sản trái phép trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt.
Tại khu vực cụm đảo Hòn Thơm, Vườn Quốc gia Phú Quốc cũng đã lập 4 biên bản làm việc đối với hành vi khai thác đá làm bờ kè trong luồng tàu và xây cầu trong phân khu phục hồi sinh thái, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt tại Hòn Mây Rút Trong. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng đã lập biên bản vi phạm xây dựng trái phép 4 cây cầu và 1 bờ kè tại Hòn Vông; 2 cây cầu tại Hòn Xưởng, tồn tại trước năm 2020 và được gia cố hằng năm; 2 cây cầu tại Hòn Thơm. Đặc biệt, khu vực mặt biển phía Đông Hòn Thơm (trước trụ sở UBND xã Hòn Thơm cũ) có công trình đổ đất lấn biển làm cầu tạm cũng đã được lập biên bản vi phạm.
Cũng theo Vườn Quốc gia Phú Quốc, công tác quản lý, bảo vệ rừng và xử lý vi phạm, từ tháng 1-2018 đến 5-2019, lực lượng chức năng lập biên bản và xử lý vi phạm hành chính 53 vụ, ra 84 quyết định xử phạt. Trong đó, hành vi phá rừng 24 vụ, với diện tích 10.856,03 m2; lấn, chiếm rừng 29 vụ với diện tích 63.604,88 m2. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 1,3 tỉ đồng. Riêng từ tháng 6-2019 đến nay, Vườn Quốc gia Phú Quốc phát hiện, lập biên bản vi phạm, chuyển Hạt Kiểm lâm TP Phú Quốc 641 vụ và chuyển UBND các xã, phường 441 vụ...
Tại buổi làm việc với Vườn Quốc gia Phú Quốc ngày 9-9 vừa qua, ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, chỉ đạo Vườn Quốc gia Phú Quốc sớm kiện toàn tổ chức bộ máy để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời cần phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ với địa phương, tránh đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan. "Trước mắt, địa phương vận động DN, cá nhân có công trình xây dựng trái phép trên KBT biển tự tháo dỡ. Nếu các DN, cá nhân không tự nguyện tháo dỡ, địa phương phải cưỡng chế nhằm trả lại hiện trạng ban đầu. Việc này phải hoàn thành ngay trong tháng 9" - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo.
Còn đối với các vụ vi phạm đất đai, lâm nghiệp, ông Lâm Minh Thành chỉ đạo tổ công tác đặc biệt phải khẩn trương xử lý các vụ việc đã đủ điều kiện. Đồng thời, xử lý phải nghiêm minh, đúng pháp luật, vi phạm hình sự thì khởi tố, xét xử công khai. "Những vụ việc đã xử lý, thu hồi đất phải giữ cho được, không để tái chiếm, tái vi phạm..." - ông Lâm Minh Thành nhấn mạnh.
Nhiều hoạt động bị nghiêm cấm
Ngày 2-7-2021, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Quyết định 06/2021/QĐ-UBND về quy chế quản lý Khu Bảo tồn biển Phú Quốc. Theo đó, các hoạt động bị nghiêm cấm trong KBT biển, gồm: Tổ chức hoạt động dịch vụ, du lịch trái phép; tàu cá, tàu biển và phương tiện thủy khác hoạt động trái phép; xây dựng trái phép công trình hạ tầng; hủy hoại nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh, khu vực tập trung sinh sản; lấn chiếm, gây hại khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Bình luận (0)