Trước đó, UBND huyện Đức Hòa đã ký hàng loạt văn bản điều chỉnh quyết định bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng theo hướng giảm mức tiền mà các cơ quan chức năng đã kiểm kê, định giá và chi trả cho dân theo thỏa thuận.
Tiền hậu bất nhất
Ông Nguyễn Văn Út (có 12.569 m2 đất bị thu hồi) cho biết ngày 26-7-2013, UBND tỉnh Long An ban hành quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp Đức Hòa Đông Hải Sơn, do Công ty TNHH Hải Sơn làm chủ đầu tư, thu hồi diện tích hơn 246 ha đất (chủ yếu đất trồng lúa). Trong năm 2013, công tác thu hồi đất, đền bù được tiến hành nhanh chóng. Người dân đã nhận đủ tiền đền bù, hỗ trợ và bàn giao đất cùng tài sản trên đất cho chủ đầu tư.
Với 12.569 m2 đất bị thu hồi, hộ ông Út nhận hơn 2,2 tỉ đồng (làm tròn số) tiền bồi thường. Tuy nhiên, đầu tháng 1-2014, chủ tịch UBND huyện Đức Hòa ban hành văn bản điều chỉnh giảm số tiền bồi thường, hỗ trợ của hộ ông Út xuống còn hơn 1,7 tỉ đồng (tức giảm hơn 483 triệu đồng) với lý do: “Do điều chỉnh ranh đất nên giảm diện tích đất bị thu hồi và giảm giá trị tài sản trên đất”.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Quý có 7.166 m2 đất bị thu hồi để giao cho Công ty TNHH Hải Sơn. Theo quyết định ngày 4-12-2013 của UBND huyện Đức Hòa, ông Quý được bồi thường, hỗ trợ hơn 2,6 tỉ đồng. Thế nhưng, ngày 19-8-2014, UBND huyện Đức Hòa ra quyết định điều chỉnh, giảm số tiền bồi thường, hỗ trợ còn hơn 1,4 tỉ đồng (giảm gần 1,2 tỉ đồng). Lý do: điều chỉnh giá trị nhà cửa, vật kiến trúc theo biên bản xác định lại thời điểm cất nhà trên đất nông nghiệp.
“Căn nhà tôi xây dựng trước thời điểm 1-7-2004. Trước khi quyết định bồi thường, các cơ quan nhà nước đã thẩm định, kiểm kê, đưa ra mức giá hợp lý, tôi mới đồng ý bàn giao mặt bằng. Khi tôi nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, phía công ty có lập biên bản, trong đó yêu cầu tôi “đồng ý nhận tiền theo bảng chiết tính và cam kết không khiếu nại”, sao bây giờ lại nêu ra lý do này?” - ông Quý bức xúc.
Bị công an mời làm việc
Đáng nói là sau khi nhận được quyết định điều chỉnh của UBND huyện, nhiều hộ dân bị công an huyện mời lên làm việc, yêu cầu phải nộp lại tiền.
Ông Nguyễn Văn Út bất bình: “Công an cứ mời lên mời xuống, yêu cầu tôi phải giao nộp hơn 483 triệu đồng tiền chênh lệch để hoàn trả cho Công ty TNHH Hải Sơn. Lo sợ, ngày 12-8-2014, tôi đã đem tiền đến nộp, điều tra viên thu giữ tiền, lập biên bản… Việc tôi nhận tiền bồi thường là do cơ quan nhà nước tính toán, chủ đầu tư chi trả, bản thân tôi đã chấp hành nghiêm túc. Tôi không lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tiền của ai, sao chính quyền, công an địa phương lại có cách làm việc như vậy?”.
Ông Nguyễn Văn Quý cũng bị UBND xã và người của Công ty TNHH Hải Sơn mời lên yêu cầu trả lại tiền. Ông Quý nói sẵn sàng trả lại tiền bồi thường, hỗ trợ nếu chủ đầu tư trả lại quyền sử dụng đất cùng hiện trạng tài sản trên đất. “Sau đó, công an huyện liên tiếp gửi giấy mời lên làm việc khiến tôi rất hoang mang” - ông Quý kể.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số các hộ thuộc diện điều chỉnh, hiện đã có 3 hộ dân nộp lại tiền bồi thường, hỗ trợ tại cơ quan công an. Đó là hộ ông Quý (trả 458 triệu đồng), ông Út (483 triệu đồng) và bà Nguyễn Thị Tra (hơn 400 triệu đồng).
Chúng tôi đã liên hệ làm việc với Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa về những vấn đề trên nhưng bà Trần Thị Hồng Gấm, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện, báo chủ tịch bận họp, ghi lại câu hỏi và hứa sẽ trả lời phóng viên sau.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM:
Có dấu hiệu lạm quyền
Quyết định 7028 do Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa ký ban hành ngày 19-8-2014 ghi: “Căn cứ Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 3-12-2004 của Chính phủ và Thông tư số 116/200/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định 197…”.
Nghị định 197 đã hết hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2014, được thay thế bằng Nghị định 47/2014 (quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư). Việc căn cứ vào văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực pháp luật để ban hành quyết định, văn bản hành chính là sai. Người dân có quyền khiếu nại văn bản của UBND huyện Đức Hòa.
Theo quy định tại điều 30, điều 31 Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13-8-2009 của Chính phủ, việc đưa ra mức giá, số tiền bồi thường cho người dân dựa trên quy trình chặt chẽ của pháp luật. Nếu UBND huyện Đức Hòa cho rằng phương án bồi thường, hỗ trợ có sai sót dẫn tới việc đưa ra mức giá, số tiền bồi thường không phù hợp thì các cán bộ, công chức và cá nhân có liên quan tới việc lập, thẩm định, quyết định phương án bồi thường, hỗ trợ phải chịu trách nhiệm và bồi thường số tiền thất thoát cho nhà nước; không thể yêu cầu người dân nộp lại số tiền bồi thường.
Mặt khác, hiện tại pháp luật đất đai không có quy định nào cho phép UBND huyện được quyền điều chỉnh mức giá, số tiền bồi thường cho người dân đã được thể hiện tại phương án bồi thường, hỗ trợ, đặc biệt là trường hợp đã chi trả tiền bồi thường cho người dân. Trên thực tế, việc này cũng chưa từng có tiền lệ.
Hơn nữa, việc thu hồi lại số tiền chênh lệch theo công văn của UBND huyện là việc dân sự, không phải là hình sự nên công an huyện tham gia vào việc này là có dấu hiệu lạm quyền.
Bình luận (0)