Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa có văn bản yêu cầu Thanh tra Chính phủ (TTCP) phối hợp với nhiều bộ, ngành và UBND tỉnh Khánh Hòa làm rõ nội dung liên quan đến dự án Khu Du lịch và giải trí Sông Lô (nay là tổ hợp du lịch Diamond Bay resort & spa Nha Trang, gọi tắt là dự án Sông Lô; ở xã Phước Đồng, TP Nha Trang).
Động thái này diễn ra sau khi ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) có nhiều kiến nghị về báo cáo số 541/BC-TTCP của TTCP về kết quả kiểm tra, rà soát các nội dung phản ánh, kiến nghị của một số hộ dân liên quan đến dự án Sông Lô.
Cấp 1.854 "sổ đỏ" sai luật
Dự án Sông Lô do Công ty TNHH TM-XD Hoàn Cầu của cố doanh nhân Trần Thị Hường (Tư Hường) làm chủ đầu tư. Đây là dự án tồn tại việc khiếu kiện gần 20 năm mà Báo Người Lao Động đã phản ánh từ lâu.
Dự án này từ năm 2001 được Thủ tướng ban hành Quyết định số 252/QĐ-TTg về việc thu hồi 180,2 ha tại xã Phước Đồng để thực hiện. Quyết định ban hành dựa trên 7 bản đồ trích đo từ số 24 đến 30 do Sở Địa chính tỉnh Khánh Hòa xác lập năm 2001. Tuy nhiên, đa số người dân bị thu hồi đất lại nằm ở tờ bản đồ 22, 23 (lập năm 1996, đang được xã Phước Đồng quản lý) xác định nằm trong dự án và bị buộc phải thu hồi.
Tháng 8-2020, TTCP đã cử đoàn công tác kiểm tra rà soát các nội dung phản ánh, kiến nghị của các hộ dân liên quan đến dự án. Đến tháng 4-2022, TTCP, Bộ Tài nguyên và Môi trường có báo cáo 541/BC-TTCP làm rõ 12 nội dung của công dân. Trong đó, TTCP cho biết kiến nghị mục 1 đến mục 8 phần I đã được thanh tra, kiểm tra và Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận. Một số nội dung công dân phản ánh không có sơ sở như "UBND tỉnh không ban hành quyết định thu hồi đất, đến nay người dân không nhận được quyết định thu hồi đất, yêu cầu ban hành lại" và việc kiến nghị của công dân là không đúng quy định của Luật Đất đai năm 1993.
Theo TTCP, ở phần II của kiến nghị có một số nội dung đã được cơ quan này thống nhất với UBND tỉnh hoặc kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Cụ thể, việc giao đất cho 23 trường hợp là cán bộ không đủ tiêu chuẩn cấp đất tái định cư, Thanh tra Chính phủ đã kết luận sai phạm và 2 lần kiến nghị nhưng đến nay chưa hoàn thành việc xử lý.
Công tác quản lý nhà nước về đất đai của chính quyền địa phương và việc sử dụng đất của Công ty CP Hoàn Cầu có nhiều sai phạm như: chủ đầu tư dự án Sông Lô đã lấn biển trái phép 11,6 ha, UBND tỉnh Khánh Hòa hợp thức hóa thành đất dự án và cho Công ty Hoàn Cầu thuê 4 ha đất và Công ty Vịnh Kim Cương thuê 2,6 ha đất, thu tiền thuê đất thay cho việc thuê mặt biển; còn lại 4,8 ha đất lấn biển thuộc phân khu công viên và sân tập golf, Công ty Hoàn Cầu sử dụng từ năm 2010 đến nay chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính theo đúng mục đích sử dụng. Với nội dung kiến nghị ở trên, TTCP nêu: "Công dân phản ánh việc UBND tỉnh Khánh Hòa hợp thức hóa cho Công ty Hoàn Cầu diện tích lấn biển cần phải được xem xét, rà soát kỹ nội dung này".
Đặc biệt, theo TTCP, việc UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép chuyển đổi hơn 44 ha từ đất thương mại dịch vụ qua đất ở không hình thành đơn vị ở; Sở Tài nguyên và Môi trường đã cấp 1.854 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) "đất ở không hình thành đơn vị ở" không có trong Luật Đất đai.
Ông Nguyễn Văn Bình (ngụ TP Nha Trang) phản ánh rằng có nhiều sai phạm tại dự án Khu Du lịch và giải trí Sông Lô
Nhiều điểm chưa hợp lý
Không chỉ ông Lưu Bình Nhưỡng, nhiều người cũng kiến nghị về Báo cáo 541/BC-TTCP. Đơn cử, mới đây ông Nguyễn Văn Bình (ngụ TP Nha Trang), đại diện cho 40 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án Sông Lô đã có văn bản thể hiện sự không đồng tình.
Cụ thể, ông Bình cho biết trình tự, thủ tục phê duyệt dự án Sông Lô (năm 2001) trái với quy định của Pháp Luật và quy định tại Nghị định số 52/1999/NĐ-CP vì đây là dự án nhóm A nhưng hoạt động không có giấy chứng nhận đầu tư. Đến ngày 8-7-2011 UBND tỉnh Khánh Hòa mới cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu mang số 37121000269.
Điều kỳ lạ nữa, theo ông Bình trong Quyết định 252 QĐ-Ttg (9-3-2001) đã xác định UBND tỉnh Khánh Hòa có trách nhiệm cấp GCNQSDĐ cho "Công ty TNHH thương mại - xây dựng Hoàn Cầu". Thế nhưng, từ năm 2007 đến năm 2009, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp nhiều GCNQSDĐ cho "Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang" - một công ty có pháp nhân độc lập thành lập vào ngày 31-12-2003.
Về quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, ranh giới, mốc giới của dự án Sông Lô, ông Bình cho biết người dân đang khiếu nại dự án Sông Lô vượt quy hoạch kế hoạch sử dụng đất gần 80 ha, người dân có đầy đủ tài liệu chứng minh nhưng Báo cáo 541/BC-TTCP không đề cập. Cụ thể, Quyết định số 2330/QĐ-UB của UBND TP Nha Trang ngày 19-12-1996 phê duyệt sử dụng đất xã Phước Đồng giai đoạn 1996-2010 thì đất xây dựng du lịch chỉ 104 ha. Trong khi dự án Sông Lô được UBND tỉnh Khánh Hòa thông qua và lập bản đồ trích đo trình Thủ tướng Chính phủ tại xã Phước Đồng với diện tích 180 ha, vượt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất...
Được biết, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu TTCP phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa và các bộ, ngành liên quan thống nhất biện pháp giải quyết và báo cáo Thủ tướng trước ngày 15-7.
Nhận đất rồi bỏ hoang
Về ý kiến dự án Sông Lô lấy đất rồi để hoang gần 20 năm nay, TTCP cho biết dự án này có diện tích hơn 8 ha (phân khu IV) chưa được xây dựng từ năm 2001. Cạnh đó, khu vực Trung tâm thủy sản và phía Bắc dự án quy hoạch là resort III thuộc phân khu III và một phần phân khu V từ năm 2001 đến nay cũng vẫn chưa xây dựng. Ngoài ra, dự án này có hơn 10 ha (thuộc phân khu VII) được bổ sung để thực hiện dự án CLB golf từ năm 2016 nhưng tới nay chưa có công trình xây dựng nào.
Bình luận (0)