TS Nguyễn Vinh Huy - Chủ tịch sáng lập Hệ thống Luật Thịnh Trí, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam - trả lời: Theo quy định tại điều 32 Bộ Luật Dân sự năm 2015, việc sử dụng hình ảnh của người khác phải được cá nhân đó đồng ý. Nếu vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ các bên có thỏa thuận khác.
Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ: Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng. Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Tại điểm e, khoản 3, điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, hành vi thu thập, xử lý, sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng. Theo khoản 2 điều 101 nghị định này, hành vi tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt từ 20-30 triệu đồng.
Bình luận (0)