Tại phiên tòa xét xử vụ án thâu tóm nhà, đất công sản tại TP Đà Nẵng gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng, bị cáo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") có đề nghị: "Nói ông Trần Văn Minh (nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) bảo kê cho tôi, tôi không hiểu bảo kê là thế nào. Đề nghị đại diện VKS rút lại từ bảo kê, nó không phù hợp với tòa, giống ở ngoài chợ hơn".
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ đề nghị đại diện VKS không dùng từ "bảo kê"
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP HCM):
Pháp luật hiện hành không có khái niệm "bảo kê"
Đây không phải là thuật ngữ pháp lý mà chỉ là ngôn ngữ nói thường ngày, tương tự như: tiếp tay, chống lưng. Xét khía cạnh pháp lý trong trường hợp vụ án trên, có thể cơ quan tiến hành tố tụng muốn nhắc đến hành vi nhận hối lộ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vai trò đồng phạm với tội danh tương ứng hành vi phạm tội trong hồ sơ vụ án của bị cáo Trần Văn Minh.
Đối với yêu cầu bị cáo đưa ra, đại diện VKS cũng có thể đưa ra luận cứ trả lời bị cáo cũng như bảo vệ lời nói, quan điểm tại tòa. Từ đó, cơ quan xét xử sẽ xem xét dựa trên những quy định pháp luật liên quan về việc chấp nhận quan điểm của bị cáo hay đại diện VKS.
Theo wikipedia, bảo kê là hành vi bảo đảm có tính bất hợp pháp của một thế lực cho những hoạt động trái pháp luật hay ít nhiều mang tính không hợp pháp. Ví dụ: hầu hết các hoạt động kiếm tiền, kinh doanh đặc biệt như nhà nghỉ, vũ trường, karaoke, massage, bia ôm đều được bảo kê. Khi có một vụ án nào đó của các hoạt động này, việc đầu tiên mà các lực lượng cảnh sát cần khám phá thường là tìm ra các đối tượng đã bảo kê cho hoạt động.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP HCM):
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ phản ứng lại là đúng!
Trong chương trình đào tạo thẩm phán người ta thường hướng dẫn các thẩm phán tương lai khi ra bản án, khi xét xử không được dùng từ ngữ thừa, từ chêm, xen.
Từ "bảo kê" là từ dân dã, từ này cũng rất chung chung mà bên ngoài xã hội hay dùng. Việc bị cáo Phan Văn Anh Vũ phản ứng lại là đúng vì thường từ "bảo kê" thường được dùng trong giới xã hội đen chứ không thích hợp tại phiên tòa.
Tôi thấy không cần thiết phải dùng từ này trong phiên tòa, mặc dù không sai nhưng người nghe hiểu nó không đúng đắn. Trong phiên tòa nên dùng từ chuẩn nghĩa tiếng Việt.
Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM):
Có quyền khiếu nại vì dùng từ ngữ không đúng
Từ bảo kê không phải là thuật ngữ pháp lý, không phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Không phải là tình tiết để lượng tội, định khung. Đây là thuật ngữ dùng cho bên ngoài xã hội chứ không phải là thuật ngữ pháp lý. Khi tranh luận, định tội cần bám sát cáo trạng để xem xét hành vi của bị cáo.
Nếu dùng từ bảo kê phải chứng minh ông Trần Văn Minh đứng sau, giựt dây, dùng quyền lực của mình để bảo vệ cho hoạt động trái pháp luật của Vũ "nhôm" trong vụ án này. Nếu bị cáo yêu cầu rút lại thì VKS phải cân nhắc, điều chỉnh từ ngữ trong vụ án. Bảo kê không phản ánh đúng tính chất, bị cáo phản bác lại thì không hay trong hoạt động xét xử, việc bị cáo phản bác lại là đúng. Nếu VKS không rút lại câu nói này thì cũng rất không hay.
Vì vậy, nếu bị cáo cảm thấy VKS dùng từ ngữ không đúng với bản chất vụ án thì có quyền khiếu nại đến các cơ quan chức năng, mà cụ thể là có thể khiếu nại đến VKSND TP Hà Nội.
Bình luận (0)