xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dương Chí Dũng có thoát án tử?

Nguyễn Quyết

Trong khi người nhà của bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc tích cực khắc phục hậu quả thì các luật sư cho biết sẽ cung cấp nhiều chứng cứ quan trọng để gỡ tội cho thân chủ

Hôm nay, 22-4, dự kiến Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Hà Nội sẽ xét xử phúc thẩm vụ án “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế” xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Có tất cả 16 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Trong đó, luật sư Trần Đình Triển, Ngô Ngọc Thủy và Trần Đại Thắng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải.

Khắc phục hậu quả để gỡ tội

Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội cho biết gia đình ông Dương Chí Dũng đã đến cục nộp 4,7 tỉ đồng tiền khắc phục hậu quả trong vụ án. Gia đình ông Mai Văn Phúc - nguyên Tổng Giám đốc Vinalines, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Vận tải - cũng đã nộp 3,5 tỉ đồng. Luật sư Trần Đình Triển cho biết gia đình của 2 bị cáo nộp tiền với ý định khắc phục một phần hậu quả vụ án song Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội yêu cầu viết rõ là nộp khắc phục hậu quả của tội “Tham ô tài sản”. Trước đó, tòa sơ thẩm kết tội 2 bị cáo này tội tham ô mỗi người 10 tỉ đồng và cùng phải nhận bản án tử hình.

Bị cáo Dương Chí Dũng (đứng, hàng trước) và các bị cáo khác trong phiên sơ thẩm (Ảnh chụp qua màn hình)
Bị cáo Dương Chí Dũng (đứng, hàng trước) và các bị cáo khác trong phiên sơ thẩm (Ảnh chụp qua màn hình)

Một số luật sư dẫn Nghị quyết 01/2001 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn xử lý với tội tham ô tài sản, cụ thể nếu người phạm tội phải bị xử phạt tử hình nhưng nếu đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội) bồi thường thay cho người phạm tội thì có thể không xử phạt tử hình người phạm tội và tùy vào số tiền bồi thường mà có thể xử phạt người phạm tội tù chung thân hoặc tù có thời hạn. Do đó, nếu như ở vào trường hợp cả hai bị cáo cùng nhận tội tham ô, việc gia đình giúp nộp tiền khắc phục hậu quả sẽ được hiểu là nhằm “gỡ” tội tử hình.     Tuy nhiên, ông Triển khẳng định đến thời điểm này, cả bị cáo Dũng và Phúc vẫn cho rằng mình không phạm tội tham ô. Bị cáo Dũng cũng kháng cáo và cho rằng tử hình là quá nặng. Dù có “Đơn nhận tội và xin khắc phục hậu quả để được giảm nhẹ hình phạt” song Dương Chí Dũng chỉ nhận với tư cách là bí thư Đảng ủy và Chủ tịch Hội đồng thành viên của Vinalines, có lỗi trong việc để “anh em” tham ô trong việc mua ụ nổi và có trách nhiệm trong công tác quản lý cán bộ chứ không biết gì về 1,66 triệu USD và cũng không nhận một đồng nào trong vụ này.

“Sẽ có nhiều bất ngờ”

Theo cáo trạng, đầu năm 2007 đến hết năm 2008, thông qua mua ụ nổi với Công ty AP (Singapore), ông Dương Chí Dũng cùng đồng phạm đã làm trái các quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, nhập khẩu thương mại… Hậu quả là ụ nổi cũ nát, hư hỏng nặng, đưa về Việt Nam phải mất thời gian dài sửa chữa song vẫn không thể dùng được vào việc gì, gây thiệt hại cho ngân sách gần 367 tỉ đồng. Sau khi thanh toán 9 triệu USD cho Công ty AP, Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn - nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines và Trần Hữu Chiều - nguyên Phó Tổng giám đốc Vinalines - tham ô hơn 28 tỉ đồng - là số tiền thanh toán mua ụ nổi được Công ty AP chuyển lại Việt Nam. Cụ thể, Sơn nhận 28 tỉ đồng rồi chuyển Dũng 10 tỉ đồng và Phúc 10 tỉ đồng, Chiều 340 triệu đồng và bản thân chiếm 7,8 tỉ đồng.

Để làm rõ thêm việc thân chủ của mình có tham ô 10 tỉ đồng hay không, luật sư Trần Đình Triển đã sang Singapore để gặp giám đốc Công ty AP. Ông Triển cho biết trong phiên xét xử, ông sẽ nộp cho HĐXX tài liệu đã thu thập được. Cụ thể, trong bản khai tuyên thệ trước pháp luật của giám đốc Công ty AP có nêu ông này chỉ biết ông Dũng trong thời gian học tập ở Singapore. Tuy nhiên, ông này chưa từng liên hệ và trao đổi trực tiếp hoặc gián tiếp với 2 ông Dũng và Phúc về việc bán ụ nổi cũng như khoản tiền 1,66 triệu USD.

Theo luật sư Triển, đường đi của khoản tiền đó như thế nào thì cần tiếp tục làm rõ và những vấn đề liên quan sẽ được luật sư trình bày tại phiên phúc thẩm. Ông cũng tiết lộ sẽ cung cấp thêm một số chứng cứ mới khác có thể tạo diễn biến bất ngờ. 

9/10 bị cáo kháng án

Duy nhất bị cáo Bùi Thị Bích Loan, nguyên kế toán trưởng Vinalines, không kháng cáo. Còn lại, 9 bị cáo đã kháng cáo gồm: Dương Chí Dũng; Mai Văn Phúc; Trần Hải Sơn; Trần Hữu Chiều; Mai Văn Khang (nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines); Lê Văn Dương (đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm Việt Nam); Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa). Trước đó, bản án sơ thẩm ngày 16-12-2013 của TAND TP Hà Nội tuyên tử hình Dũng, Phúc về tội tham ô tài sản, 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, tổng hợp hình phạt là tử hình; Trần Hữu Chiều 10 năm tù tội tham ô, 9 năm tội cố ý làm trái; Trần Hải Sơn 14 năm tù tội tham ô, 8 năm tù tội cố ý làm trái... và yêu cầu các bị cáo nộp lại 28 tỉ đồng đã tham ô, liên đới chịu trách nhiệm về khoản thiệt hại 367 tỉ đồng của nhà nước.

 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo