TAND TP Hà Nội ngày 7-1 đã mở phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng (nguyên phó giám đốc Công an TP Hải Phòng, nguyên phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C64) Bộ Công an) và 6 bị cáo trong vụ án “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”. Anh trai của Dương Tự Trọng là Dương Chí Dũng - nguyên cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, nguyên chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), người được tổ chức đưa đi trốn và đã bị kết án tử hình trong vụ án tham ô tại Vinalines cách đây không lâu - đã đến tòa với tư cách nhân chứng.
Không nhận vai trò chủ mưu
Tại phiên tòa, các bị cáo nhận tội và lần lượt cho rằng việc giúp Dương Chí Dũng bỏ trốn là vì tình nghĩa với Dương Tự Trọng. Ông Trọng khi đó đang giữ chức phó giám đốc Công an TP Hải Phòng, thủ trưởng trực tiếp và cũng là người mang nhiều tình nghĩa với họ.
Dũng được đưa đi trốn ở nhà bạn gái của Trọng ở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội rồi về Quảng Ninh và di chuyển bằng đường bộ vào TP HCM trước khi trốn sang Campuchia, Singapore để làm thủ tục đi Mỹ nhưng bất thành. Trong suốt hành trình này, Trọng hoặc Vũ Tiến Sơn, nguyên phó trưởng Phòng CSĐT Tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Hải Phòng, phụ trách việc điều khiển các đàn em từng đường đi nước bước.
Bị cáo Sơn phân trần: “Tôi và anh Trọng thân thiết nhiều năm rồi. Còn việc giúp đỡ anh Dũng bỏ trốn, tôi sẵn sàng làm dù biết đó là sai. Anh Trọng giao mỗi người một phần việc. Bị cáo nhận thức mỗi người đều có vai trò trách nhiệm trong vụ này nhưng bị cáo không phải là chủ mưu”.
Mặc một chiếc áo đen bó sát người, bị cáo Dương Tự Trọng luôn tỏ ra bình thản trước mọi câu hỏi của chủ tọa. Trong suốt phiên xử, rất nhiều lần Trọng nói “không quan tâm”, “không thừa nhận nhưng cũng không phủ nhận”. Trọng không thừa nhận vai trò chủ mưu tổ chức cho anh trai chạy trốn và luôn khẳng định: “Tất cả mọi việc đã khai tại cơ quan điều tra và xin không nói gì thêm”.
“Chú tạm lánh, tắt điện thoại đi!”
Một chi tiết được chủ tọa phiên tòa hỏi đi hỏi lại nhiều lần trong cả phiên xử là ai đã mật báo cho Dương Chí Dũng biết tin sắp bị khởi tố để bỏ trốn. Bị cáo Sơn cho biết có nghe ông Trọng nói đó là một cán bộ của Bộ Công an. Tuy nhiên, khi tòa hỏi thì Trọng nói không quan tâm tới việc này và “gia đình xảy ra nhiều chuyện nên gần đây bị cáo không còn nhớ gì hết”.
Liên quan đến tình tiết này, Dương Chí Dũng khai người mật báo cho mình là một cán bộ của Bộ Công an. “Tôi đã bị tuyên án tử hình trong phiên tòa trước đó rồi. Tại phiên tòa hôm nay, tôi nói rất thành thật” - ông Dũng khẳng định. Theo ông Dũng, ngày 17-5-2012, khi đang ngồi ăn trưa với Dương Tự Trọng ở Hà Nội, ông ta đã gọi điện hỏi thăm vị cán bộ này. Vị này cho biết Thủ tướng đang nghe báo cáo về vụ việc liên quan đến Vinalines.
“Tới khoảng 17-18 giờ ngày 17-5-2012, khi tôi đang ngồi trên ô tô đi lòng vòng quanh khu vực đường Lý Thường Kiệt - Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm thì nhận được điện thoại của ông ấy thông báo: “Thủ tướng đã chấp thuận việc khởi tố, bắt tạm giam chú. Chú tạm lánh đi một thời gian. Chú tắt điện thoại đi”. Lúc đó, tôi hoảng quá và chỉ nghĩ tới việc tìm cách trốn đi đâu đó một thời gian rồi trở về là xong thôi. Tôi cũng không nghĩ tội của mình lại bị xử nặng thế. Từ bé tới nay, tôi chưa bao giờ có ý định bỏ trốn ra nước ngoài” - Dũng khai.
Biếu hàng ngàn USD cho nhiều cán bộ
Đặc biệt, tại phiên tòa, Dũng đã khai việc đưa một số tiền rất lớn cho vị cán bộ nêu trên và vài người khác có liên quan đến vụ án Vinalines.
Cụ thể, sau khi biết tin Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm tham nhũng (C48) Bộ Công an triệu tập tới làm việc vào đầu tháng 5-2012 về vụ mua ụ nổi 83M, từ cuối tháng 4-2012, vợ chồng Dũng đã liên lạc và một lần tới thăm vợ chồng vị cán bộ này tại khu du lịch Tuần Châu, tỉnh Quảng Ninh. Khi đó, Dũng trình bày với vị cán bộ này về việc mua bán ụ nổi 83M và “mong anh xem xét khách quan”. “Anh ấy nói mọi việc để anh ấy lo. Hôm đó, tôi xuống có quà cho anh chị. Tôi biếu phong bì 10.000 USD” - Dũng kể.
Tối 2-5-2012, Dũng tìm tới tận nhà vị cán bộ này ở chung cư cao cấp Pacific (phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội). Tại đây, Dũng đã để lại 2 chiếc túi, trong đó đựng 500.000 USD. Vị cán bộ này khuyên Dũng nên kiếm một sim rác để tiện liên lạc với mình và Dũng đã làm theo, dùng thêm một số điện thoại là 097500xxxx.
Khi chủ tọa hỏi căn cứ nào để chứng minh những lời khai này là đúng, Dũng cho biết vào tháng 9-2012, sau khi bị bắt và di lý về TP HCM, ông đã khai tất cả với cơ quan điều tra về các khoản tiền. Số tiền này được Dũng vay của nhiều người và khi vận chuyển tới nhà vị cán bộ trên có tài xế biết.
Không những thế, Dũng còn khai qua vị cán bộ trên, ông đã xin số điện thoại để gặp ông Trần Duy Thanh, nguyên cục trưởng C48 và đưa quà là 20.000 USD kèm 1 chai rượu ngoại. Sáng 7-5-2012, khi tới C48 làm việc, Dũng còn gặp một người tên Sơn và có trao đổi số điện thoại với nhau. Ít lâu sau, Dũng tới nhà ông Sơn chơi và đưa phong bì 10.000 USD. “Khi tôi gọi điện thì vị cán bộ Bộ Công an nói: “Tình hình họp trung ương căng thẳng, C48 đề nghị khởi tố 3 người, chú đứng đầu” làm tôi bủn rủn cả người” - Dũng nhớ lại.
Dũng cho biết sau khi xử xong vụ Vinalines, từ trại tạm giam, ông đã viết đơn kêu oan gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Nội chính Trung ương. Trong đó, ông nói rằng mình không nhận 1,666 triệu USD tiền lại quả từ việc mua ụ nổi. “Việc này có nguyên nhân sâu xa từ vị cán bộ trên. Việc điều tra không khách quan, cố ý ép tội cho tôi chết” - Dũng kêu oan.
Dũng còn khai ngoài việc đưa cho vị cán bộ nêu trên 500.000 USD, ông và bà Lan (Công ty Vạn Thịnh Phát, TP HCM - cùng làm ăn) đã đưa cho vị này 1 triệu USD. “Hôm đưa tiền, tôi gọi cho anh ấy. Anh ấy nói 5 giờ về đến nhà. Tôi mang túi vào phòng anh rồi để luôn 2 cái túi ở phía bên trong nhà” - Dũng kể.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Duy Thanh đã phản bác lời khai của Dương Chí Dũng tại tòa về việc đã đưa cho ông 20.000 USD. Ông Thanh cho biết “không nắm được sự việc” Dũng tố cáo mình tại tòa, cũng như “không liên quan gì” tới việc ông này bỏ trốn. Ông Thanh cho rằng nếu có vấn đề gì thì cơ quan an ninh điều tra phải làm rõ.
Dương Tự Trọng thiếu thành khẩn
Kết thúc phiên xét hỏi, đại viện VKS giữ quyền công tố tại tòa cho biết do Dương Chí Dũng đã khai ra danh tính người mật báo cho mình biết tin sắp bị khởi tố và thông tin này là tình tiết mới, không nằm trong hồ sơ vụ án nên HĐXX cần đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền khởi tố thêm một vụ án nữa về tội “Cố ý làm lộ bí mật công tác”. Riêng việc Dương Chí Dũng khai hối lộ quan chức cấp cao, vị đại diện VKS đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Đại diện VKS đã đề nghị mức án đối với các bị cáo: Dương Tự Trọng bị đề nghị mức án cao nhất do thiếu thành khẩn 18-20 năm tù, Vũ Tiến Sơn 17-18 năm, Hoàng Văn Thắng 6-7 năm, Đồng Xuân Phong 6-7 năm, Trần Văn Dũng (tức Dũng “Bắc Kạn”) 6-7 năm, Nguyễn Trọng Ánh 6-7 năm và Phạm Minh Tuấn 5-6 năm tù.
Bình luận (0)