“Cùng canh tác trên một cánh đồng, đi về chung một lối, tối lửa tắt đèn có nhau bao nhiêu năm nay, tôi không ngờ T. lại ra tay nặng như vậy với mình. Mà có gì đâu, chỉ vì tức tối gia đình tôi không nhờ nó thuê máy gặt lúa” - ông Đ.V.H (SN 1960, ngụ tỉnh Vĩnh Long), nạn nhân trong vụ án giết người mà Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM vừa xét xử, nghẹn ngào nói.
Còn đâu tình làng nghĩa xóm
Gia đình ông H. và bị cáo N.T.T (SN 1975) là hàng xóm lại có đất ruộng liền kề. T. thường giới thiệu máy gặt, xát lúa... cho bà con trong vùng thuê để hưởng hoa hồng, trong đó có gia đình ông H. Quan hệ của 2 gia đình khá thân thiết nhưng chỉ 1 lần vô tình làm phật ý hàng xóm, ông H. phải chịu thương tật vĩnh viễn 40%.
Mùa vụ năm 2013, gia đình ông H. kêu máy gặt đập liên hợp đến ruộng thu hoạch lúa. Do ông H. không thuê máy của T. giới thiệu nên anh ta không đồng ý cho máy chạy ngang qua ruộng nhà mình. Khi máy gặt ông H. thuê đến, T. nhất quyết ngăn lại, mặc cho cha con ông H. năn nỉ, thậm chí xin lỗi về chuyện lỡ thuê máy của người khác. Không gặt lúa thì lỡ vụ mùa, ông H. đành cho máy tiến vào. Ngay lập tức, T. cầm một khúc cây hung hăng chạy đến đánh mạnh vào đầu khiến ông H. ngã xuống ruộng, bất tỉnh.
Nhớ lại tình cảnh lúc sự việc xảy ra, anh C. (con trai ông H.) vẫn chưa hết bàng hoàng: “Máy chưa qua đến ruộng nhà thì cha tôi đã té sấp xuống ruộng. May có nhiều người ở đấy nên cha tôi mới thoát chết”.
Trước tòa, bao biện cho hành vi của mình, T. nói: “Lúc đó tôi rất buồn vì chú H. không kêu máy do tôi giới thiệu nên đã hành động thiếu suy nghĩ...”.
Nhìn bị cáo hồi lâu, vị chủ tọa thở dài: “Ông bà ta thường nói “Bán bà con xa, mua láng giềng gần”. Nhiều người muốn “mua” còn không được mà bị cáo lại nỡ bỏ đi tình làng nghĩa xóm”.
Giết chết ân nhân
Đ.N.B và anh H.V.M cùng lớn lên ở làng quê nghèo thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Ngày B. chân ướt chân ráo vào TP HCM, anh M. luôn đùm bọc, giúp đỡ. Nhiều khi B. làm ăn thất bại, anh M. cho mượn tiền không lấy lãi để B. trang trải nợ nần. Cả hai xem nhau như anh em ruột thịt.
Một lần, B. biết chuyện anh M. mang ô tô của người bạn đi cầm cố nên cố gắng khuyên can chuộc lại xe đem trả. Anh M. không nghe, hai bên lời qua tiếng lại dẫn đến xô xát, B. dùng dao đâm nhiều nhát khiến anh M. tử vong.
“Vẫn biết bị cáo có thiện ý khi khuyên nhủ anh M. đừng làm việc sai trái nhưng sự nóng nảy, hung hăng của bị cáo lại đẩy cả 2 vào chỗ không lối thoát. Cho dù biện minh vì lý do gì đi chăng nữa thì hành động của bị cáo không chỉ phạm vào tội danh đặc biệt nghiêm trọng mà còn thể hiện sự vô ơn đối với người đã từng cưu mang, giúp đỡ mình” - đại diện VKS nhận định.
Có mặt tại tòa từ sáng sớm, lặng lẽ ngồi ở hàng ghế dành cho gia đình nạn nhân, mẹ anh M. đưa tay quẹt nhanh những giọt nước mắt lăn dài trên má mỗi khi nghe B. thuật lại hành vi phạm tội. Khi được HĐXX cho phép, bà nhẹ nhàng trình bày: “Khi nghe tin con trai bị chính thằng em đồng hương giết hại, tôi đã đổ bệnh một thời gian. Những ngày tháng đó, tôi những tưởng sẽ không bao giờ tha thứ được cho B. Nhưng giờ nghĩ lại, con tôi đã chết, có tử hình B. thì nó cũng không thể sống lại. B. còn 3 con nhỏ, lại là con trai duy nhất trong gia đình... Mong tòa cho cậu ấy con đường sống...”.
Trước lời thỉnh cầu xin tha chết cho bị cáo của mẹ nạn nhân, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã chấp nhận kháng cáo của B., giảm án tử hình xuống còn tù chung thân.
Đưa đôi mắt đầy vẻ biết ơn về phía mẹ nạn nhân, B. gật đầu cám ơn rồi lủi thủi ra xe về trại tạm giam. Mong rằng lòng khoan dung của mẹ nạn nhân sẽ giúp B. thay đổi bản thân để sống tốt hơn, đồng thời cũng là để người mẹ ấy được thanh thản, vơi bớt nỗi đau khổ khi bị tước mất người thân.
Thiếu văn hóa ứng xử
Tham gia bào chữa nhiều vụ án tương tự, luật sư Nguyễn Châu Lập Quốc (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết hiện nay, nhiều người luôn coi trọng chuyện hơn thua, thích dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn, sẵn sàng xuống tay giết người. Bên cạnh những nguyên nhân về đời sống khó khăn, sự phân hóa giàu nghèo còn là việc thiếu văn hóa ứng xử, tiếp nhận thông tin theo hướng tiêu cực, không chọn lọc. “Để răn đe, cơ quan tố tụng cần nhanh chóng đưa ra xét xử với mức án nghiêm, đồng thời xét xử lưu động để người dân nhìn vào đó mà rút kinh nghiệm trong hành xử” - luật sư Quốc nói.
Bình luận (0)