Một ngày cuối tháng 10-2012, phòng xử B của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM xét xử một vụ tranh chấp thừa kế. Nguyên đơn là người chị đầu, bị đơn là người em trai út. Tài sản tranh chấp là căn nhà cha mẹ để lại, cũng là nơi lưu dấu kỷ niệm một thời ấu thơ của họ.
Minh họa: NGUYỄN TÀI
Hai bản di chúc
Vợ chồng ông bà P.T.H và N.T.T có 4 người con. Ngày 22-4-1994, ông bà lập bản di chúc để lại một căn nhà trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1 - TPHCM, là tài sản chung của 2 vợ chồng) cho 2 người con trai là ông P.T.Q và ông P.T.N.
Năm 2002, ông H. mất. Một năm sau đó (năm 2003), bà T. lập một bản di chúc khác, chia căn nhà trên cho thêm 2 người con gái. Năm 2006, bà T. qua đời. Năm 2007, bà P.T.L.A (SN 1950, người con gái đầu hiện đang ở Mỹ) ủy quyền cho con trai khởi kiện ông N. đòi lại căn nhà (hiện ông N. đang ở) để chia cho tất cả 4 anh chị em theo di chúc.
Tại phiên tòa sơ thẩm, ông N. cũng như các đương sự còn lại đều thừa nhận theo di chúc, di sản cha mẹ để lại là chia đều cho 4 người con. Do đó, TAND TPHCM xử sơ thẩm đã tuyên chia cho 4 đồng thừa kế, mỗi người hưởng 1/4 giá trị di sản; ghi nhận sự tự nguyện của các đương sự, giao nhà và đất cho ông N. sử dụng. Ông N. có nghĩa vụ thanh toán cho các đồng thừa kế mỗi người 1/4 giá trị căn nhà, tương đương gần 1,3 tỉ đồng. Ông N. làm đơn kháng cáo.
Cạn tình
Trước khi phiên phúc thẩm bắt đầu, trên băng ghế đầu tiên, vợ chồng người em út ngồi ở đầu ghế bên phải ôm xấp giấy tờ chăm chú đọc từng trang. Phía đầu ghế bên kia, người anh trai và hai người cháu gọi ông N. bằng cậu ngồi đăm chiêu, tư lự. Không ai nói với ai lời nào. Tưởng chừng họ là những người xa lạ, chưa từng quen biết, gặp gỡ. Khoảng cách giữa băng ghế như dài thêm bởi vết nứt vụn vỡ của tình máu mủ…
Không gian phòng xử bỗng chốc đặc quánh bởi lời trình bày của người con trai út. Người anh buông tiếng thở dài nặng nề. Hai người cháu quay sang nhìn cậu ngơ ngác rồi lắc đầu, cúi mặt.
Vị chủ tọa đem hai bản di chúc ra, chất vấn: “Lấy cơ sở nào để hủy bỏ tờ di chúc lập sau? Hai tờ di chúc giống nhau, cùng lập một nơi, cùng có người làm chứng, có công chứng viên giám sát, tại sao một tờ hợp pháp, một tờ không hợp pháp?”. Đuối lý, người em đề nghị hoãn phiên tòa để có thêm thời gian thu thập chứng cứ.
Ngồi lặng lẽ từ đầu phiên xử, lúc này, người anh mới đứng dậy, run run nói: “Tuy chữ mẹ tôi xấu nhưng mẹ tôi có biết đọc, biết viết. Giai đoạn mẹ tôi làm di chúc, tinh thần vẫn minh mẫn, cũng có đi khám sức khỏe… Bốn người ai cũng là con của cha mẹ, là anh chị em ruột thịt... ”.
Quay sang ông N., vị chủ tọa nhẹ nhàng phân tích: “Theo hồ sơ chúng tôi có được, nhà các ông bà có 4 anh chị em nhưng chỉ có mình ông là không thuận thảo. Thực ra, các anh chị của ông có ghét bỏ gì ông đâu, nếu gia đình ông quá khó khăn đã đành, đằng này…”. Nghe vậy, ông N. liền nói: “Tôi đồng ý trước đây chúng tôi cũng sống rất hòa thuận. Nhưng sau này bà L.A đi Mỹ, rồi quay về kiện tụng tôi. Tôi rất bất ngờ…”.
Phiên tòa khép lại với việc HĐXX bác kháng cáo của ông N., mọi người lục đục ra về, có người đăm chiêu cũng có người mang gương mặt lạnh lùng. Tòa đã tuyên, bản án đã có hiệu lực nhưng họ vẫn ở hai bên chiến tuyến dù mang cùng một dòng máu, lớn lên dưới một mái nhà…
Bình luận (0)