Vụ án “Cướp tài sản” ở huyện Cái Nước (Cà Mau) vừa khép lại sau khi VKSND huyện này ra quyết định đình chỉ vụ án. Điều này đồng nghĩa với việc 3 thanh niên Lê Minh Nhựt (18 tuổi), Nguyễn Hoàng Khang (22 tuổi) và Nguyễn Vũ Ca (19 tuổi) đã được minh oan. Í tai biết được rằng, nếu không có sự giúp sức của những luật sư nhận bào chữa miễn phí đến từ TP HCM thì 3 thanh niên này khó có thể được chứng minh vô tội. Báo Người Lao Động đã tìm gặp luật sư Trần Thị Ánh (Đoàn Luật sư TP HCM) để ghi nhận hành trình giải oan cho 3 thanh niên này. Luật sư Ánh cho biết: Tôi nhận bào chữa cho Lê Minh Nhựt- bị cáo vị thành niên trong vụ án này- thông qua 2 nhà báo Trâm Anh và Thu Hiền của Báo Công an TP HCM. Bởi lẽ, ông Lê Văn Mỹ (cha của Nhựt) đã gọi điện cầu cứu qua đường dây nóng của báo này. Lúc đầu tôi cũng thấy phân vân. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với ông Mỹ qua điện thoại, điều tôi chú ý là đơn kêu cứu của ông Mỹ về việc không được giám hộ cho con. Vì vậy, tôi quyết định xuống Cà Mau, vùng đất xa xôi mà tôi chưa một lần đặt chân đến, với mong muốn tìm ra sự thật.
Khang, Ca và Nhựt khi bị đưa ra xét xử. Ảnh:CÔNG TUẤN
Ngày 25-11-2015, tôi đón xe đò từ TP HCM đến TAND huyện Cái Nước để đọc hồ sơ. Nội dung vụ án rất đơn giản. Tuy nhiên, khi xem qua biên bản hỏi cung ngày ngày 1-8-2015 do điều tra viên ghi lời khai Khang, tôi phát hiện có chi tiết không bình thường. Bởi lẽ, ở phần hỏi có chi tiết: “Bị can có tự nguyện khai, có ai đánh đập, ép cung không?” thì Khang đáp: “Tôi tự nguyện khai, không bị ai đánh đập, không bị ép cung…”. Biên bản này lại không có chữ ký của Khang. Thế nhưng, điều tra viên lập biên bản về việc không ký tên vào biên bàn hỏi cung thì Khang lại ký tên (?!). Điều này làm tôi nghi ngờ, nhưng do lúc đó chưa nhận bào chữa cho Khang nên tôi không biết thực hư thế nào. Tôi vào trại tạm giam gặp Nhựt, dưới sự chứng kiến của trưởng nhà tạm giữ và một điều tra viên. Ban đầu Nhựt khai vanh vách về vụ cướp. Tôi hỏi lần thứ 1, lần thứ 2, lần thứ 3 thì Nhựt cũng trả lời như vậy theo kiểu thuộc lòng và cúi mặt xuống bàn. Tôi bảo Nhựt nhìn thẳng vào mặt tôi khai rõ sự thật. Lúc này Nhựt nhìn tôi và bật khóc. Nhựt bảo: “Con bị oan, cô giải oan cho con với. Con bị chú T. (công an xã) đánh, ép nhận tội. Có một chú (không biết tên) còn hứa: “Mày nhận đi tao lấy danh dự của tao cho mày về”. Vì vậy, con nhận có cướp cùng Khang, Ca và khai theo hướng dẫn của các chú”.
Luật sư Trần Thị Ánh. Ảnh: CÔNG TUẤN
Phiên tòa lần thứ nhất ngày 4-12-2015, Khang kêu oan, tôi mời thêm 2 đồng nghiệp là luật sư Nguyễn Minh Châu và Mai Lâm Phương (Đoàn Luật sư TP HCM) trợ giúp và họ đã nhận lời khi thấy có dấu hiệu oan sai. Ngoài ra, còn có sự hợp tác tích cực của nguyên luật sư Nguyễn Thanh Lương (hiện hành nghề công chứng viên) tham gia với vai trò đại diện hợp pháp cho Nhựt.
Qua vụ án này, tôi rút ra bài học cho mình rằng không nên vội vàng, suy nghĩ chủ quan. Nếu như hôm ấy không đọc kỹ hồ sơ, không phát hiện việc không ký tên của Khang trong biên bản hỏi cung thì tôi đã bỏ về lại TP HCM, không tiếp tục nhận bào chữa.
Nói đến vụ án này, người để chúng tôi “tâm phục” nhất là ông Hà Thanh Khiết. Mặc dù tuổi đời còn trẻ nhưng phong cách chủ tọa trầm tĩnh, cẩn trọng, suy xét từng chi tiết, từng lời khai bất nhất của bị hại. Qua thẩm phán Khiết, các luật sư chúng tôi càng có niềm tin vào công lý hơn.
Bình luận (0)