Hiện trường vụ tai nạn xe bồn trộn bê-tông tông chết một thanh niên vào tối 23-9 ở Hà Nội Ảnh: Hùng Quang
Liên tục gây tai nạn rồi bỏ trốn
Chiều 6-9, chiếc xe tải lưu thông trên đường Nguyễn Xiển, hướng ra Quốc lộ 1A, khi qua cầu Ông Tán (quận 9, TP HCM) đã va chạm với xe máy của 2 người đàn ông chạy chiều ngược lại khiến 1 người tử vong tại chỗ, người còn lại bị thương nặng. Tài xế xe tải đã cho xe rời khỏi hiện trường nhưng bị người dân đuổi theo chặn lại.
Chiều 8-9, trên Quốc lộ 18 (đoạn qua cầu Đông Yên, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), chiếc xe bồn chở xăng đã tông chết 1 người đàn ông chạy xe máy cùng chiều. Ngay lập tức, tài xế xe bồn rồ ga bỏ chạy.
Tối 12-9, tại ngã ba đường Trường Chinh - Nơ Trang Long (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai), chiếc ô tô 4 chỗ (của Trung tâm Dạy nghề lái xe - Công ty TNHH Vận tải ô tô Gia Lai) tông 1 người đi xe máy khiến nạn nhân ngã xuống đường bị thương. Bỏ mặc nạn nhân, tài xế phóng xe đi, tiếp tục tông mạnh vào 1 căn nhà trên đường Lý Nam Đế và chỉ dừng lại khi tông vào con lươn khiến bánh xe bị rơi xuống đường. Tài xế sặc mùi rượu bia là giáo viên thuộc Trung tâm Dạy nghề lái xe.
Tối 23-9, trên đường Khuất Duy Tiến (Hà Nội), xe bồn trộn bê- tông chạy với tốc độ nhanh, tông 1 thanh niên chạy xe máy cùng chiều, cuốn nạn nhân vào gầm xe, kéo lê cả chục mét. Khi xe dừng lại, lái xe và phụ xe mở cửa lén lút bỏ đi.
Mới đây nhất, khoảng 20 giờ ngày 29-9, chiếc ô tô hiệu Toyota Innova phóng bạt mạng trên đường. Khi đến Quốc lộ 10 (cũ), đoạn chạy qua địa bàn xã Trung Hà, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng, ô tô này lạng lách, đánh võng trên đường và bất ngờ đâm liên tiếp vào 5 xe máy chạy ngược chiều khiến 5 người bị thương nặng, chiếc ô tô lật nhào, 2 thanh niên trong ô tô chỉ bị thương nhẹ đã nhanh chân bỏ trốn.
Mức phạt còn nhẹ
Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP HCM), trong các trường hợp tai nạn giao thông (TNGT), có lỗi thuộc về nạn nhân, có lỗi thuộc về người điều khiển xe gây ra tai nạn, cũng có khi do điều kiện khách quan. Tùy nguyên nhân mà có thể truy cứu hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo điều 38 Luật Giao thông Đường bộ (GTĐB) năm 2008, người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm dừng ngay phương tiện, giữ nguyên hiện trường, phải có trách nhiệm đưa người bị nạn đi cấp cứu và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Nghị định 71/2012/NĐ-CP ngày 19-9-2012 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2-4-2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB, cụ thể như sau: Phạt tiền người điều khiển, người ngồi trên ô tô và các loại xe tương tự ô tô vi phạm quy tắc GTĐB từ 4 triệu đến 6 triệu đồng nếu gây TNGT không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường; bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.
Điểm c, khoản 2, điều 202 Bộ Luật Hình sự năm 2009 quy định phạt tù từ 3 năm đến 10 năm đối với người gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn.
Tuy nhiên, Luật GTĐB cũng quy định: Trong trường hợp sau khi gây tai nạn dẫn đến chết người, tài xế được phép tạm lánh khỏi hiện trường trong vòng 24 giờ để bảo vệ tính mạng trong trường hợp người nhà hay thân nhân của người bị tai nạn có phản ứng quá khích.
Khó cho công tác điều tra Theo luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TP HCM), Luật GTĐB quy định cho phép lái xe được tạm lánh khỏi hiện trường trong vòng 24 giờ nhằm bảo vệ tính mạng trước những phản ứng quá khích là cần thiết. Tuy nhiên, trên thực tế, quy định cũng gây khó khăn cho công tác điều tra cũng như việc xác định mức độ lỗi không chính xác. Chẳng hạn, trước khi gây tai nạn, tài xế có sử dụng bia rượu, ma túy. Nếu sau nhiều giờ mới ra trình diện, việc thực hiện đo nồng độ cồn cũng như kiểm tra việc sử dụng ma túy sẽ không cho kết quả chính xác. Đó là chưa kể có trường hợp người gây tai nạn bỏ trốn là người khác, người đến công an trình diện lại là một người khác. |
Bình luận (0)