Sáng 27-5, TAND TP HCM đã mở phiên xử sơ thẩm vụ án nam nhân viên Ngân hàng TNHH ANZ Việt Nam (Ngân hàng ANZ) chiếm đoạt 91,3 tỉ đồng.
Theo đó, hai bị cáo, gồm: Nguyễn Phạm Gia Thọ (Trưởng phòng Quan hệ khách hàng, Ngân hàng ANZ), Nguyễn Tường Vi (Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Xuất nhập khẩu Nông sản Sài Gòn, viết tắt: Công ty Nông sản Sài Gòn) cùng hầu tòa về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Do có thai nên bị cáo Vi được tại ngoại.
Theo cáo trạng, từ năm 2015, Thọ là trưởng phòng quan hệ khách hàng ở Phòng giao dịch Nam Sài Gòn - Ngân hàng ANZ (quận 7, TP HCM). Thọ có nhiệm vụ huy động tiền gửi tiết kiệm, tư vấn bán bảo hiểm, đề xuất cho vay thế chấp sổ tiết kiệm. Nguyễn Tường Vi là chị dâu họ của Thọ, chuyên kinh doanh cung cấp mặt hàng trái cây cho các siêu thị tại TP.
Bị cáo Nguyễn Phạm Gia Thọ bị truy tố tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"
Lợi dụng vị trí công việc ở ngân hàng, Thọ giả chữ ký khách hàng có tài khoản tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng để đăng ký dịch vụ internet banking. Sau đó, Thọ chuyển tiền từ tài khoản khách hàng đến tài khoản Thọ hoặc người thân đứng tên rồi chiếm đoạt.
Với thủ đoạn giả mạo chữ ký, Thọ còn tạo tài khoản của khách hàng có đồng sở hữu là người thân của Thọ; lập giả hợp đồng vay thế chấp bằng chính sổ gửi tiết kiệm của khách hàng. Kế tiếp, Thọ tiếp tục giả chữ ký trong hồ sơ vay thế chấp sổ tiết kiệm. Do sơ sót khi đối chiếu, thẩm định, ngân hàng giải ngân 91,3 tỉ đồng vào tài khoản đồng sở hữu của khách hàng với Thọ hoặc người thân của y. Sau đó, Thọ chuyển hết số tiền trên vào các tài khoản do Thọ hoặc Vi đứng tên. Cơ quan chức năng xác định trong 91,3 tỉ đồng, Vi tiếp tay lừa đảo hơn 80,3 tỉ.
Cụ thể, năm 2016, khách hàng tên M. nhờ Thọ quản lý trái phiếu trị giá 3 tỉ đồng tại Công ty chứng khoán VPBS. Lợi dụng lòng tin của bà M., Thọ lập 6 hợp đồng giả đề nghị công ty chứng khoán cho vay với hình thức thế chấp cổ phiếu. Thông qua, PVBS chuyển 3 tỉ đồng vào tài khoản đứng tên bà M. tại Ngân hàng ANZ. Trong thời gian này, Thọ nhờ mẹ mạo danh bà M. gọi điện đến ngân hàng đăng ký dịch vụ Internet Banking rồi rút hết tiền ra khỏi tài khoản bà M. đứng tên.
Tiếp đó, đến tháng 7-2017, muốn góp vốn với Vi nên Thọ nghĩ cách dùng chiêu cũ kiếm tiền.
Hai bị cáo sử dụng số tiền chiếm đoạt vào việc kinh doanh, mua xe hơi, trả nợ...
Vì tin tưởng Thọ và Vi nên nhiều người thân của hai bị cáo chấp nhận đứng tên đồng sở hữu tài khoản ngân hàng. Họ không biết nguồn gốc số tiền, mục đích chiếm đoạt tiền; cũng không hưởng lợi. Vì vậy, cơ quan chức năng không truy cứu trách nhiệm hình sự.
Sau khi xét hỏi, HĐXX nhận thấy hồ sơ và cáo trạng xuất hiện một số chi tiết mâu thuẫn. Bên cạnh đó, hồ sơ vụ án thiếu một số chứng cứ quan trọng liên quan đến việc giải quyết trách nhiệm dân sự. Vì thế, cấp sơ thẩm quyết định trả hồ sơ, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền điều tra bổ sung.
Bình luận (0)