Ngày 6-9, đại tá Nguyễn Trung Nghĩa, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Phú Yên, cho biết đang tạm giữ hình sự để tiến hành điều tra theo quy định đối với 62 đối tượng trong nhóm lừa đảo xuyên quốc gia.
Như đã thông tin, nhóm đối tượng này, bao gồm 3 người Việt Nam và 59 người Trung Quốc, Đài Loan bị Công an tỉnh Phú Yên và Cục An ninh 1 (Bộ Công an) bắt quả tang khi đang thực hiện hành vi phạm tội tại 4 nhà nghỉ ở TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) vào sáng 5-9.
Tạm giữ hình sự để điều tra
Theo đại tá Nguyễn Trung Nghĩa, các đối tượng đều đang tạm giữ hình sự vì bị bắt quả tang khi sử dụng công nghệ cao để phạm tội. Thời gian tạm giữ là 3 ngày, trong trường hợp chưa điều tra xong, công an sẽ đề nghị VKSND tỉnh Phú Yên phê chuẩn gia hạn thời gian tạm giữ để tiếp tục điều tra.
Ngay sau khi các đối tượng bị tạm giữ, cơ quan y tế Phú Yên cũng đã tiến hành khám sức khỏe và cho biết sức khỏe của 62 người đều bình thường.
Hiện tại, 4 nhà nghỉ từng được tổ chức tội phạm quốc tế này thuê trọn gói để làm điểm lừa đảo xuyên quốc gia đều đang tạm ngưng hoạt động để phục vụ công tác điều tra.
Bộ Công an sẽ thưởng nóng cho Công an tỉnh Phú Yên vì thành tích phá án của lực lượng này. |
Đề cập đến việc xử lý, ông Nghĩa cho biết do đây là vụ án có liên quan đến người nước ngoài do vậy việc xử lý trước hết theo pháp luật Việt Nam và được điều chỉnh theo thông lệ quốc tế, các điều ước đã được thỏa thuận, ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc, Đài Loan.
“Hiện tại, cơ quan chức năng của tỉnh Phú Yên đã tham mưu cho UBND tỉnh và UBND tỉnh Phú Yên đã có văn bản báo cáo với Bộ Ngoại giao để phối hợp giải quyết vụ án này theo đúng thông lệ quốc tế” - ông Nghĩa nói.
Tiếp tay cho lừa đảo
Vấn đề đặt ra là bằng cách nào nhóm tội phạm trên tổ chức lập “cứ điểm” để thực hiện hành vi phạm tội ngay tại 4 nhà nghỉ mà vẫn không bị phát hiện?
Ông Trần Ngọc, chủ nhà nghỉ Trung Hào (thôn Long Thủy, xã An Phú, TP Tuy Hòa), xác nhận vào đầu tháng 7-2011, có 3 người khách tên là Tạ Trường Sơn, Nguyễn Long Trung Dung và Nguyễn Thị Xuân Loan (đều đã bị bắt - PV) gặp ông đề nghị thuê toàn bộ nhà nghỉ có tất cả 10 phòng với diện tích sử dụng khoảng 500 m2 cho một đoàn người nước ngoài mở văn phòng.
“Tôi gặng hỏi người nước nào, làm gì thì họ bảo là người Nhật Bản đến đây để khảo sát nuôi yến sào. Vì là người Nhật nên tôi đồng ý” - ông Ngọc nói.
Hai đối tượng người nước ngoài trong nhóm lừa đảo bị tạm giữ tại hiện trường
Theo ông Ngọc, giá 24 triệu đồng mỗi tháng mà họ thỏa thuận để 19 người nước ngoài ở là rất cao so với doanh thu của nhà nghỉ. Hợp đồng thuê nhà được ký giữa hai bên với các thỏa thuận: Thuê toàn bộ căn nhà trong 6 tháng, trả tiền trước 3 tháng, chủ nhà nghỉ phải lắp toàn bộ máy lạnh ở các phòng, việc bảo đảm an ninh, tạm trú do nhóm người nước ngoài tự lo; chủ nhà nghỉ không được lui tới, quấy rầy khách ở.
Cũng theo ông Ngọc, những người này yêu cầu ông lắp hệ thống internet cho tất cả các phòng nhưng vì sợ tốn kém, ông không đồng ý và họ đã tự lắp. Ông Ngọc bắt đầu giao nhà cho nhóm đối tượng này từ ngày 12-7-2011.
Ông Ngọc cho biết thêm: “Họ không cho chủ nhà lui tới, họ lại ít giao lưu với người dân, mỗi khi đi về chỉ bằng taxi nên không nhận ra có biểu hiện gì bất thường”.
Điều đáng nói ở đây là do ham lợi, sơ hở quản lý và không tuân thủ việc đăng ký lưu trú theo quy định, các chủ nhà nghỉ đã tiếp tay cho nhóm đối tượng trên lập “cứ điểm” để thực hiện hành vi lừa đảo. Hợp đồng cho thuê nhà nghỉ đã lập theo hình thức khoán trắng cho khách thuê, không có xác nhận của chính quyền địa phương và không báo cáo cho cơ quan chức năng trên địa bàn.
Bình luận (0)